Trong thị trường sản xuất gạch men, Việt Nam đứng thứ năm trong danh sách các nước sản xuất hàng đầu thế giới với quy mô ước đạt 5,16 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 9,78 tỷ USD vào năm 2028, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 31.15% trong giai đoạn dự báo (2023-2028).
Từ những ngày đầu hình thành vào những năm 70 của thế kỷ trước, thị trường này đã phát triển mạnh mẽ và đạt quy mô lớn, với 4 dòng sản phẩm chính: gạch đất sét nung (Cotto), gạch tráng men (Ceramic), gạch xương sứ (Porcelain) và gạch Granite.
Hiện nay, thị trường gạch ốp lát Việt Nam đang trải qua quá trình tái cấu trúc với hướng sử dụng gạch ốp lát là khổ lớn, đòi hỏi sự đa dạng về mẫu mã và công nghệ sản xuất tiên tiến. Do đó, các công ty đang đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, dây chuyền sản xuất kích thước lớn và trang trí in kỹ thuật số để cạnh tranh hiệu quả.
Tại Việt Nam, có khoảng hơn 90 công ty vừa và nhỏ tham gia sản xuất, cùng hàng nghìn đơn vị nhỏ lẻ cũng tham gia vào dây chuyền. Đa phần các công ty hiện nay đều sản xuất gạch Ceramic, đây cũng là phân khúc có mức độ cạnh tranh cao nhất trên thị trường.
Vicostone
Ngày 19/12/2002, Nhà máy Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (tiền thân của Công ty CP VICOSTONE) ược thành lập. Đến ngày 13/08/2014, công ty thực hiện tái cơ cấu, trở thành công ty con của Tập đoàn Phenikaa.
Với sản phẩm chủ đạo là đá thạch anh, Vicostone được đánh giá là một trong ba nhà sản xuất đá thạch anh cao cấp hàng đầu thế giới năm 2020, với sản phẩm được xuất khẩu và tiêu thụ tại trên 50 quốc gia trên khắp 5 châu lục với hơn 10.000 đại lý/đối tác trên toàn thế giới như Mỹ, Canada, Châu Âu,…
Vicostone có doanh thu đạt gần 5.7 nghìn tỷ đồng năm 2020. Doanh thu tăng 24.9% vào năm 2021, sau đó quay về mốc doanh thu 5.7 nghìn tỷ năm 2023. Về lợi nhuận sau thuế, thương hiệu ghi nhận sự thay đổi liên tục từ khoảng hơn 1.4 nghìn tỷ đồng năm 2020, tăng lên gần 1.8 nghìn tỷ đồng năm 2021. Đến năm 2022, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh chỉ còn hơn 1.1 nghìn tỷ đồng nhưng Vicostone vẫn là thương hiệu kinh doanh dẫn đầu trong lĩnh vực.
MIKADO
MIKADO được thành lập vào tháng 6 năm 2002 tại Hà Nội. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, MIKADO đã trở thành một tập đoàn công nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh Vật liệu xây dựng với nhiều sản phẩm có mẫu mã đẹp mắt, tinh xảo và thân thiện với môi trường như: gạch ốp lát MIKADO, VIDECOR, CERINCO, ngói sóng tráng men, gạch Cotto, tấm sàn, đá thạch anh nhân tạo, sứ vệ sinh,...
Doanh thu của MIKADO tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2020-2022 và đặc biệt tăng vượt trội trong năm 2022 đạt hơn 2.5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trái ngược lại với doanh thu, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu có xu hướng giảm, đạt mức âm 2 tỷ đồng năm 2022.
CMC
CMC là một thương hiệu lâu sản xuất gạch lâu đời tại Việt Nam với 2 dòng sản phẩm chính là gạch ốp lát và ngói tráng men. Thành lập từ năm 1958, CMC là người đặt nền móng đầu tiên cho ngành gạch ốp lát của Việt Nam từ chính lòng đất tổ Hùng Vương. Trải qua hơn 60 năm phát triển và đổi mới, CMC không ngừng đầu tư cho quy trình thiết kế, kiểm soát chất lượng và đổi mới công nghệ sản xuất.
Doanh thu thuần của CMC có xu hướng tăng trưởng mạnh qua các năm. Cụ thể năm 2021 tăng 10.4%, 2022 tăng hơn 30% và đạt hơn 2.5 nghìn tỷ đồng. Lãi sau thuế có sự biến động nhẹ. Năm 2020 lợi nhuận sau thuế ghi nhận 120 tỷ đồng, sau đó giảm đi khoảng 20% giữ mức khoảng 94.5 tỷ đồng trong hai năm tiếp theo.
Doanh thu của một số công ty sản xuất và phân phối gạch ốp lát tại Việt Nam
(Nguồn: Vietdata)
Viglacerea Tiên Sơn & Viglacerea Thăng Long
Thành lập từ năm 1978 với tiền thân là công ty Gạch ngói sành sứ gồm 18 xí nghiệp sản xuất vật liệu đất sét nung. Sau nhiều lần mua bán, sáp nhập các nhà máy, đến 8/6/2012, ba công ty sản xuất thuộc Tổng công ty Viglacera: Công ty CP Viglacera Thăng Long, Tiên Sơn và Hà Nội đã được sáp nhập thành một khối kinh doanh với nhiệm vụ bao tiêu toàn bộ sản phẩm gạch ốp lát do Viglacera sản xuất.
Xét về doanh thu và lợi nhuận sau thuế, Viglacerea Tiên Sơn có tình hình kinh doanh mạnh hơn. Doanh thu thuần của Viglacerea Tiên Sơn đạt mức gần 1.3 nghìn tỷ đồng trong hai năm 2021 và 2022, sau đó tăng mạnh lên 2 nghìn tỷ đồng năm 2022. Trong khi đó, doanh thu của Viglacerea Thăng Long có sự biến động nhẹ trong khoảng từ 600 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của hai công ty con cũng có sự khác biệt lớn. Trong khi Viglacerea Thăng Long có lợi nhuận 3 năm giữ mức gần 10 tỷ đồng thì lợi nhuận Viglacerea Tiên Sơn có sự thay đổi liên tục từ 60 tỷ đồng năm 2020 giảm xuống 5 tỷ đồng năm 2021 và tăng trở lại hơn 50 tỷ đồng năm 2022.
Hoàn Mỹ (PERFETTO)
Được thành lập từ năm 2002 tại Vĩnh Phúc, ngày nay Hoàn Mỹ đã được ghi nhận là nhà máy sản xuất gạch ốp lát cao cấp hàng đầu Việt Nam và khu vực. Hoàn Mỹ hiện có 6 dây chuyền nằm trong 2 nhà máy được nhập khẩu từ Italia và Tây Ban Nha công suất đạt 16 triệu m2 sản phẩm / năm. Dòng sản phẩm chủ yếu là các loại gạch lát từ: gạch lát nền, ốp tường đến các loại gạch có vân: vân đá, vân gỗ, vân cát, vân xi măng và các loại gạch trang trí.
Doanh thu của Hoàn Mỹ đạt gần 1.3 nghìn tỷ đồng năm 2022. Con số này tăng 8.5% so với năm 2021 và gần bằng doanh thu với năm 2020. Lợi nhuận của thương hiệu ghi nhận sự biến động nhẹ. Cụ thể, công ty ghi nhận mức lợi nhuận gần gần 170 tỷ đồng vào năm 2020. Trong hai năm tiếp theo, lợi nhuận tăng lên hơn 210 tỷ đồng trong năm 2021 sau đó giảm trở lại mức 130 tỷ đồng năm 2022.
Prime Vĩnh Phúc
Là công ty có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời nhất trong Tập đoàn Prime, năm 1999, nhà máy gạch ốp lát đầu tiên của Prime đặt tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 2006, sau nhiều thành tựu kinh doanh, công ty Cổ phần Prime Group ra đời, và theo sau là hàng chục đơn vị thành viên khác cũng nối đuôi nhau, "rồng rắn" tiến bước vào thị trường, bao phủ lấy toàn bộ lĩnh vực đầu tư kinh doanh chính như vật liệu xây dựng, sản xuất gạch ốp lát, ngói lợp, bình nước nóng, gạch cotto và bất động sản, đầu tư xây dựng và khai thác khu công nghiệp, khu đô thị.
Sau gần 25 năm phát triển, Prime Vĩnh Phúc luôn là công ty dẫn đầu mọi lĩnh vực của tập đoàn. Hiện nay, số cán bộ công nhân viên của công ty CP Prime Vĩnh Phúc đã lên đến hàng nghìn người, chuyên sản xuất gạch ốp lát, nguyên liệu Frit với công suất thiết kế sản xuất gạch ceramic lên đến 15 triệu m2/năm.
Trong ba năm, doanh thu của Prime Vĩnh Phúc có xu hướng dao động nhẹ. Cụ thể, năm 2022 doanh thu của thương hiệu chỉ đạt gần 1.3 nghìn tỷ đồng, bằng mức doanh thu năm 2020 và tăng 10% so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu lại có xu hướng giảm nhẹ từ gần 150 tỷ đồng năm 2020 tăng xuống hơn 50 tỷ đồng năm 2022.
Taicera
Taicera là một thương hiệu gạch ốp nổi tiếng của Việt Nam nhưng có vốn đầu tư 100% từ nước ngoài (Đài Loan). Với mục đích sản xuất gạch ốp lát để cung ứng cho thị trường Việt Nam, thương hiệu không ngừng mở rộng quy mô nhà máy gồm 1 xưởng sản xuất gạch men, 2 xưởng gạch thạch anh và 1 xưởng chuyên gia công mài bóng để cung cấp đa dạng những mẫu gạch ốp chất lượng cho thị trường.
Trong hai năm đầu, doanh thu Taicera đạt hơn 900 tỷ đồng. Con số này tăng nhẹ lên gần 1.1 nghìn tỷ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu có xu hướng thay đổi liên tục, từ đạt âm 30 tỷ đồng năm 2020 tăng lên 10 tỷ đồng năm 2021 nhưng sau đó giảm trở lại mức 1 tỷ đồng năm 2022.
Lợi nhuận sau thuế của một số công ty sản xuất và phân phối gạch ốp lát tại Việt Nam
(Nguồn: Vietdata)
Trung Đô
Công ty cổ phần TRUNG ĐÔ tiền thân là Công ty Kiến trúc Vinh, được thành lập năm 1958. Sau khi cổ phần hóa, Trung Đô nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh doanh đúng hướng, hiệu quả, không ngừng phát triển và trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam sản xuất vật liệu xây dựng về: gạch ốp lát, ngói gốm sứ tráng men, gạch đất nung và bê tông thương phẩm.
Năm 2020, doanh thu của TRUNG ĐÔ đạt hơn 580 tỷ đồng. Con số này tăng hơn 200 tỷ đồng vào năm 2021, sau đó giảm trở lại mốc gần 670 tỷ vào năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu có xu hướng tăng, từ đạt gần 73 tỷ đồng năm 2020 tăng lên mức 94 tỷ đồng trong 2 năm tiếp theo.
Đồng Tâm
Khởi đầu từ một xưởng sản xuất gạch bông vào năm 1969, Đồng Tâm Group ngày nay đã trở thành một tập đoàn năng động và hiện đại, hoạt động trong nhiều lĩnh vực: Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất; Khai thác Bất động sản khu công nghiệp,...
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Đồng Tâm có cùng một xu hướng tăng trưởng. Năm 2020, doanh thu đạt 460 tỷ đồng. Con số này giảm khoảng 86% trong năm tiếp theo, sau đó tăng trở lại mức doanh thu gần 630 tỷ đồng vào năm 2022. Về lợi nhuận sau thuế, Đồng Tâm đạt 63 tỷ đồng vào năm 2020. Sau đó, lợi nhuận giảm xuống mức âm năm 2021 và tăng trở lại mức dương hơn 40 tỷ đồng năm 2022.
Gạch men Thanh Thanh
Công ty gạch men Thanh Thanh trước đây là Thanh Thanh công ty do một nhóm người Hoa làm chủ được xây dựng từ năm 1969 đến năm 1973 đi vào hoạt động. Sau đó công ty được quốc hữu hóa và trở thành công ty cổ phần vào năm 2003.
Với trang thiết bị và công nghệ sản xuất tương đối hiện đại, thương hiệu Thanh Thanh không chỉ gắn bó lâu dài với người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như Thái Lan, Pakistan, Campuchia,...
Doanh thu thuần của Gạch men Thanh Thanh giảm nhẹ trong năm 2021, sau đó tăng gần 32% và đạt khoảng 300 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận có xu hướng giảm dần từ 15 tỷ đồng năm 2020 xuống còn 11.5 tỷ đồng vào năm 2022.
Bạch Mã
Năm 1992, Công ty Bạch Mã Đài Loan kết hợp với hai công ty của Mã Lai và Singapore, thành lập tập đoàn lớn giới thiệu thương hiệu gạch men Bạch Mã tại các nước trong khu vực. Gia nhập vào Việt Nam từ năm 1996, hiện nay, thương hiệu đã có đến 28 chi nhánh hoạt động trên toàn quốc trong lĩnh vực chuyên sản xuất gạch lát chất lượng.
Hoạt động kinh doanh của thương hiệu gạch Bạch Mã đang đi xuống trong ba năm. Doanh thu của thương hiệu có xu hướng giảm dần từ hơn 300 tỷ đồng năm 2020, đến năm 2022, doanh thu của thương hiệu này chỉ còn gần 30 tỷ đồng. Với xu hướng đó, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu cũng không khả quan khi ghi nhận mức âm 10 tỷ đồng trong năm 2022.
Mặc dù thị trường gạch ốp lát Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm và còn gặp phải nhiều khó khăn trong đầu năm 2023, nhưng không phải là không có cơ hội phát triển.. Ngành xây dựng dự kiến sẽ hồi phục và phát triển trong những năm tới. Sự thay đổi tâm lý tiêu dùng, ưa chuộng hàng Việt hơn hàng nhập khẩu, đặc biệt là gạch ốp lát từ các thương hiệu uy tín như Viglacera, Prime, Đồng Tâm,... đã thúc đẩy sự lựa chọn của người tiêu dùng. Sản phẩm nội địa không chỉ có chất lượng mà còn giá cả hợp lý hơn gấp 30-50% so với hàng nhập khẩu.
Các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, máy móc để sản xuất gạch chất lượng cao, bền màu, và sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng cũng đang ưa chuộng gạch khổ lớn và ưu tiên sử dụng gạch ốp lát thay vì gỗ hoặc đá tự nhiên để bảo vệ môi trường.
Tóm lại, thị trường gạch ốp lát tại Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển trong năm 2023. Các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng, nâng cấp sản phẩm, và người tiêu dùng cũng nên ủng hộ các thương hiệu trong nước để thúc đẩy tăng trưởng thị trường.
Nguồn: Báo cáo ngành gạch ốp lát Việt Nam của Vietdata năm 2023
コメント