Thị trường tiềm năng gần 5 tỷ USD đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa doanh nghiệp bưu chính chuyển phát với các sàn thương mại điện tử.
Cạnh tranh giành miếng bánh chuyển phát
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu dịch vụ bưu chính đạt 33.790 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,1% kế hoạch năm 2024. Nộp ngân sách lĩnh vực bưu chính đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 41,7% kế hoạch năm 2024. Tổng sản lượng đạt 1,525 tỷ bưu gửi, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 46,9% kế hoạch năm 2024.
Trong đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đạt tổng doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng, bằng 39,5% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 268,3 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch năm, bằng 103,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đạt doanh thu bưu chính 4.389 tỷ đồng, bằng 110,1% kế hoạch, tăng 44,1% so với cùng kỳ. Còn tổng doanh thu hợp nhất đạt 9.631 tỷ đồng, bằng 158,7% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 190.5 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm (GHTK) đạt sản lượng 132,6 triệu bưu gửi, giảm 15% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 3.365 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023…
Đáng chú ý nhất là, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng rà soát, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bưu chính về việc tuân thủ các quy định pháp luật về bưu chính tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thu hồi 41 giấy phép bưu chính do không sử dụng hoặc sử dụng giấy phép cho các mục đích khác.
Thị trường bưu chính đang có sự cạnh tranh gay gắt. Thị trường bưu chính Việt Nam có gần 800 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ bưu chính. Sản lượng tập trung chủ yếu vào một số doanh nghiệp như Best Express, EMS, GHN, GHTK, J&T, Flex Speed, Nin Sing,Viettel Post, VNPost và SPX Express.
Trong đó, có không ít doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia mạnh mẽ trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp đã tạo ra cuộc cạnh tranh giá cước rẻ, nhiều chương trình miễn cước vận chuyển, khuyến mại lớn…, khiến tỷ suất lợi nhuận của ngành này rất thấp, chỉ khoảng 3%.
Chưa hết, sự cạnh tranh của thị trưởng càng trở nên khốc liệt khi các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lập đơn vị chuyển phát riêng, độc quyền chuyển phát hàng hóa từ người bán tới người mua, như Tiktok Shop, Shopee… Bên cạnh đó, sự xuất hiện của mô hình các hãng xe khách nhận vận chuyển hàng hóa cho khách hàng cũng ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường.
Tâm điểm cạnh tranh
Theo Modor Intelligence, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam ước đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029. Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu và sản lượng chuyển phát cho TMĐT năm 2023 lần lượt chiếm tỷ trọng 49% và 73% toàn ngành bưu chính. Như vậy, “chiến trường” của bưu chính chuyển phát sẽ diễn ra trên sàn TMĐT.
Các doanh nghiệp chuyển phát truyền thống cho rằng, cuộc cạnh tranh về cước dịch vụ bưu chính đang diễn ra khốc liệt có một phần nguyên nhân từ các quy định của Luật Bưu chính 2010, với các điều kiện khá “mở” đối với việc cấp phép kinh doanh. Chẳng hạn, Luật chưa quy định khung giá thấp nhất cho hoạt động bưu chính, trong đó có hoạt động chuyển phát TMĐT… Ông Lê Quốc Anh, Phó tổng giám đốc VNPost cho biết, cùng với sự bùng nổ hoạt động TMĐT, cơ cấu thị phần bưu chính chuyển phát đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ với dung lượng thị trường bưu chính phục vụ TMĐT chiếm đến 70 - 80% toàn bộ thị trường bưu chính chuyển phát. Đồng thời, xuất hiện nhiều chuỗi giá trị liên quan như lưu kho, chuyển hoàn, thu hộ, chi hộ... Mặt khác, các sàn TMĐT xuất hiện ngày càng nhiều và mở rộng hoạt động chuyển phát bưu gửi đến tận người nhận, thay vì phụ thuộc vào các doanh nghiệp bưu chính.
Ông Lê Quốc Anh đề xuất, trong sửa đổi bổ sung Luật Bưu chính 2010 tới đây, cần bổ sung các quy định đối với hoạt động bưu chính phục vụ TMĐT (bao gồm TMĐT xuyên biên giới), hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính của các sàn TMĐT.
Đồng quan điểm, ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post đề nghị xem xét bổ sung điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp bưu chính có hoạt động chuyển phát hàng hoá TMĐT và thu hộ COD (thanh toán khi giao hàng), tương tự các điều kiện cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, bao gồm vốn điều lệ tối thiểu, biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán, điều kiện về nhân sự, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật… để tạo khung khổ pháp lý, hạn chế trường hợp người sử dụng dịch vụ bưu chính bị chiếm dụng hoặc chiếm đoạt tiền COD. Đồng thời, xem xét bổ sung quy định cho phép người sử dụng dịch vụ bưu chính được quyền lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên các các nền tảng TMĐT. Điều này phù hợp với tinh thần pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo môi trường cạnh tranh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính Việt Nam cho rằng, tình trạng mất cân bằng về giá dịch vụ có thể khiến thị phần bưu chính trong nước bị thâu tóm. Sự bắt tay của các sàn TMĐT và các hãng chuyển phát nước ngoài còn có thể dẫn đến nguy cơ thị trường bị thâu tóm cả về mặt hàng hóa lẫn dịch vụ hậu cần. Nguy cơ lớn là doanh nghiệp chuyển phát trong nước sẽ rơi vào cuộc cạnh tranh không lành mạnh, bị ép giá...
Theo Hiệp hội Bưu chính Việt Nam, cần có quy định riêng quản lý toàn diện hoạt động kinh doanh và hậu cần TMĐT. Ngoài ra, quy định mức giá sàn cho một số sản phẩm bưu chính quan trọng, phổ biến, tránh việc bán dưới giá thành, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, đề xuất bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp vận chuyển được liên kết với sàn TMĐT để người tiêu dùng tự do lựa chọn đơn vị vận chuyển phù hợp.
(baodautu.vn)
Comments