top of page

Việt Nam: Thị trường chuyển phát hồi phục sau đại dịch và sẵn sàng tăng trưởng mạnh

Theo bảng xếp hạng Chỉ số tích hợp về phát triển bưu chính thế giới năm 2021 (2IDP), Việt Nam đã tăng 2 bậc (xếp thứ 47/168) so với năm 2020 và là một trong 4 nước ASEAN lọt vào top 50. Theo báo cáo do Allied Market Research phát hành năm 2021, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam có doanh thu 632,6 triệu USD vào năm 2019 và ước tính đạt 2,19 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ CAGR là 22,4% trong giai đoạn 2020 - 2027.


Dịch Covid-19 trong năm 2021 và giai đoạn giãn cách xã hội vừa gây bất lợi vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển phát nhanh. Việc người tiêu dùng phải cách ly tại nhà khiến nhu cầu mua hàng online và giao nhận hàng hóa tăng mạnh. Tuy nhiên các doanh nghiệp chuyển phát nhanh lại không đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu giao nhận hàng do số lượng nhân viên F0, F1 cần cách ly cũng tăng; chi phí duy trì hoạt động cũng tăng do phải khử khuẩn, xét nghiệm cho nhân viên thường xuyên.


Thời gian qua, nhờ sự phát triển bùng nổ của nền tảng số và sự phát triển vượt bậc của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đã tạo động lực thúc đẩy thị trường chuyển phát nhanh. Báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain&Company đánh giá kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 31% so với năm 2020 và đạt quy mô 21 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bán lẻ trực tuyến tăng trưởng tới 53% và đạt quy mô 13 tỷ USD. Tuy các giao dịch TMĐT được thực hiện online nhưng dịch vụ chuyển phát nhanh là một trong những mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng. Xét theo mục đích sử dụng cuối cùng, phân khúc thương mại điện tử chiếm thị phần lớn nhất trong năm 2019, đóng góp hơn 4/5 doanh thu thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam và được dự báo sẽ duy trì vị thế dẫn đầu trong giai đoạn dự báo. (Hiệp hội TMĐT Việt Nam)


Một số doanh nghiệp TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki đã tự phát triển hệ thống giao hàng nhưng vẫn phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp chuyển phát để hoàn thành giao nhận hàng hóa đến người tiêu dùng.


Ước tính trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng với tốc độ CAGR là 20% so với cùng kỳ để đạt 30 tỷ USD trong năm 2025. Tất cả những các công ty trong thị trường này, và các ngành công nghiệp hỗ trợ như chuyển phát nhanh và thanh toán sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh như nhau, kéo theo sự ra đời của hệ thống trung tâm xử lý đơn hàng thông minh chuyên phục vụ cho thương mại điện tử.


Dù hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2021 bị trì trệ, thua lỗ do giãn cách xã hội, ngành bán lẻ và chuyển phát vẫn duy trì hoạt động và tăng trưởng. Nhìn chung toàn thị trường, các doanh nghiệp chuyển phát có doanh thu tăng, một số doanh nghiệp có doanh thu tăng phi mã (như Swift 247, Shopee Express, J&T và Ninja Van,…)



Mới chỉ có một số doanh nghiệp chuyển phát thu được lợi nhuận trong năm 2021, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn lâu đời như VNpost, Viettel Post, Giao hàng tiết kiệm. Công ty Giao hàng nhanh lần đầu tiên thu được lợi nhuận sau nhiều năm liền thua lỗ. Đáng chú ý là Swift 247, tuy chỉ mới thành lập vào năm 2019 nhưng đến năm 2021 đã có doanh thu trên 1000 tỷ đồng và thu được lợi nhuận, điều mà nhiều doanh nghiệp khác chưa làm được. Bên cạnh đó, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như J&T, Shopee Express, Ninja Van tiếp tục báo lỗ mạnh trong năm 2021.


Cầu sử dụng dịch vụ giao nhận hàng hóa ngày càng cao cùng với sự cạnh tranh trong ngành khiến các doanh nghiệp đứng trước yêu cầu cần phải phát triển chất lượng dịch vụ, tiến hành cập nhật và đổi mới công nghệ để nâng cao vị thế doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tại Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện và phát triển trong năm 2021 dù gặp phải nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Vietdata sẽ giới thiệu cho các bạn về một số công ty trong ngành chuyển phát nhanh và kết quả kinh doanh của họ nhé.


VNpost

Với cương vị Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, trực thuộc quản lý của Bộ thông tin và Truyền thông. VNpost có vị thế và tuổi đời vững chắc nhất trong hệ thống giao nhận đầu cuối của Việt Nam. VNpost sở hữu hơn 14,000 điểm phục vụ trên toàn quốc, bán kính phục vụ bình quân đạt 2.67km/điểm; 5 bưu cục khai thác quốc tế thực hiện khai thác bưu gửi và nhận quốc tế, 7 trung tâm khai thác chia chọn ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam.


Trong năm 2019, VNpost đã ra mắt sàn thương mại điện tử postmart.vn nhằm hỗ trợ tiêu thụ các đặc sản địa phương của các vùng miền, tỉnh thành Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Trong năm 2021, Postmart đã đưa sản phẩm của hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong cả nước lên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ hơn 20.000 tấn nông sản. Các bưu cục VNpost tại khắp 63 tỉnh thành chịu trách nhiệm bảo quản, phân phối đến tận tay người tiêu dùng tại chỗ và qua các sàn TMĐT. VNpost cũng hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm nông sản ra thị trường Thế Giới. Công ty Vietnam Post Logistics phối hợp cùng Tập đoàn ERG và Sun Hee DC Group, tận dụng hệ sinh thái của mình để hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam đến một thị trường nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ.


VNpost cũng đặt định hướng trong giai đoạn 2021-2030 phát triển sản phẩm dịch vụ sang nền kinh doanh kết hợp số và vật lý, áp dụng dữ liệu và công nghệ số để phục vụ quá trình điều hành và ra quyết định. Trở thành doanh nghiệp đi đầu về ứng dụng công nghệ, nghiên cứu phát triển lĩnh vực bưu chính. Đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm hàng hóa dịch vụ ra thế giới, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Vận hành hệ sinh thái dịch vụ số, đóng góp, tham gia xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển hệ thống mã địa chỉ bưu chính.


Doanh thu của VNpost trong năm 2021 không có sự thay đổi quá lớn so với năm 2020, duy trì ở mức khoảng 24 nghìn tỷ, dù doanh thu của các doanh nghiệp khác trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí lợi nhuận sau thuế của VNpost còn tăng lên so với 2020, từ khoảng 378 tỷ đến hơn 513 tỷ. Trong năm 2021, VNpost đã bán ra hơn 18 triệu cổ phiếu PTI, VNPost thu về hơn 1.400 tỷ đồng.


Viettel Post

Viettel Post là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel chuyên kinh doanh các dịch vụ Chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế; Dịch vụ Logistics; Dịch vụ Fulfillment; Dịch vụ Thương mại. Sau hơn 24 năm xây dựng và phát triển, vị thế của Viettel Post ngày càng được khẳng định trên thị trường với nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín cùng tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành chuyển phát. Viettel Post có tầm nhìn trở thành Công ty Logistics công nghệ cao, nằm trong nhóm 5 doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025. Viettel Post là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành bưu chính, luôn tiên phong trong ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong kỷ nguyên công nghệ số 4.0.


Vào ngày 24/01/2021, Viettel Post chính thức đưa vào hoạt động trung tâm Logistic miền Nam tại TP.HCM. Trung tâm Logistics miền Nam được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong vận hành và giám sát với hai trung tâm chính là trung tâm chia chọn và trung tâm fulfillment (Trung tâm hoàn tất đơn hàng).


Tại trung tâm chia chọn, hệ thống băng chuyền chia chọn tự động có công suất 42.000 bưu phẩm/giờ. Đây là hệ thống duy nhất tại Việt Nam tích hợp được chia tự động hàng nặng đến 50kg và hàng nhỏ trên cùng một kịch bản chia do Viettel Post làm chủ sáng kiến và công nghệ. Hàng hóa sau khi được chia chọn qua trung tâm logistics này sẽ được kết nối đến khách hàng hoàn toàn tự động. Trung tâm logistics miền Nam của Viettel Post giúp giảm thời gian toàn trình kết nối bưu phẩm đến 6 giờ, tỷ lệ sai sót trong chia chọn gần như bằng không, đồng thời hỗ trợ tiết kiệm 91% nhân lực và cung cấp giải pháp hoàn tất đơn hàng tự động cho khách hàng.


Ngoài ra, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Viettel Post) còn nỗ lực vận hành hệ thống logistics để có thể đưa sản phẩm vải thiều Bắc Giang đến người tiêu dùng cuối cùng trong từ 6h - 48h sau thu hoạch thông qua mạng lưới chuyển phát nhanh phủ sóng 63 tỉnh thành. Việc ra mắt ứng dụng sàn vận chuyển đa phương thức gọi xe MyGo và sàn thương mại điện tử Vỏ Sò giúp doanh nghiệp này hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch từ một công ty bưu chính chuyển phát thành công ty logistics dựa trên nền tảng công nghệ cao. Trong ngành bưu chính, Viettel Post đã tự mình hoàn thiện một hệ sinh thái đa dạng, từ thương mại điện tử, chuyển phát và gọi xe trực tuyến.


Năm 2021 là một năm kinh doanh khá thành công của Viettel Post khi doanh thu tăng 24.5%, từ 17 nghìn tỷ lên đến 21.5 nghìn tỷ. Tuy nhiên, do đầu tư phát triển sản phẩm dịch vụ chưa thu được lợi nhuận nên Viettel Post giảm đến 23.8%, từ 383.3 tỷ chỉ còn 295.9 tỷ.


Giao hàng tiết kiệm

Hệ thống Giao hàng tiết kiệm (GHTK) hiện nay đã phủ sóng khắp 63 tỉnh thành, 11,000 huyện, xã trên cả nước. Với hơn 1,500 kho bãi với tổng diện tích trên 600,000m2, hơn 2,500 xe tải, kết nối với hơn 30,000 nhân sự giao hàng, đơn vị này đã xây dựng hệ thống giao nhận phủ sóng toàn quốc. Đảm bảo tối ưu thời gian giao nhận hàng hóa: 6 giờ trong khu vực nội tỉnh và tối đa 48 giờ đối với các đơn hàng liên tỉnh trên toàn quốc.


Ngoài phát triển doanh nghiệp theo xu hướng số hóa, GHTK còn có định hướng trở thành một doanh nghiệp phát triển bền vững với nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động tình nguyện hỗ trợ cộng đồng. Các hoạt động này thể hiện trách nhiệm của GHTK với môi trường và với xã hội, giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng.


Trong năm 2021, GHTK đón nhận một mức suy giảm trong cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế khi doanh thu của GHTK giảm nhẹ từ 7.2 nghìn tỷ chỉ còn 7.15 nghìn tỷ. Lợi nhuận sau thuế của GHTK giảm mạnh hơn với 42.2%, tương đương 220 tỷ đồng, chỉ còn hơn 300 tỷ.


J&T

J&T Express là thương hiệu chuyển phát nhanh xuất thân từ Indonesia và chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2018. Mặc dù mới chỉ gia nhập thị trường 4 năm, nhưng với tốc độ tăng trưởng nhanh ở mỗi năm, J&T đã ghi dấu trên đường đua chuyển phát với nhiều thành tựu, và đạt mức doanh thu trên 5,000 tỷ vào năm 2021. Trong năm 2022, J&T dự tính ra mắt trung tâm trung chuyển thứ 37, được đánh giá là trung tâm trung chuyển hiện đại nhất Việt Nam, có diện tích khoảng 60,000m2 , nâng hiệu suất xử lý hàng hóa lên 3,6 triệu bưu kiện/ngày. Cùng với việc mở rộng mạng lưới trung tâm trung chuyển, J&T Express triển khai J&T International - tuyến vận chuyển quốc tế đi hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Một trong những điểm mạnh khiến J&T đạt được thành tựu ngày nay là do sự cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại vào quá trình vận chuyển, đồng thời mở rộng liên kết với các thương hiệu lớn, các trang thương mại điện tử. Trong giai đoạn dịch Covid-19, J&T nhanh chóng chuyển hóa để phù hợp với thị trường với hoạt động khử khuẩn các trung tâm trung chuyển hàng hóa, bưu cục, gắn huy hiệu đã tiêm vắc xin cho shipper. Đặc biệt là triển khai dịch vụ mới J&T Fresh chuyên giao nhận các mặt hàng thực phẩm, nông sản nhắm hỗ trợ nông dân và đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng trong giai đoạn bị cách ly.


Cuối tháng 12/2021 vừa qua, thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế J&T Express trở thành ứng viên duy nhất từ ASEAN lọt top 15 kỳ lân đáng giá nhất thế giới có giá trị từ 20 tỷ USD.

Doanh thu của J&T trong năm 2021 dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng lại có sự tăng trưởng đáng kể đến 73.3%, từ gần 3.2 nghìn tỷ tăng lên hơn 5.5 nghìn tỷ. Tuy nhiên do không ngừng đầu tư mở rộng quy mô, lợi nhuận sau thuế của J&T trong năm 2021 lỗ gần 600 tỷ đồng.


Shopee Express

Shopee Express là đơn vị vận chuyển thuộc quyền quản lý của Shopee, giúp giao hàng nhanh trong 24h và chỉ áp dụng cho các đơn hàng ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Tuy xuất hiện sau các dịch vụ giao hàng khác, Shopee Express có những điều kiện thuận lợi để phát triển và thậm chí có doanh thu trong năm 2021 vượt qua cả Giao hàng nhanh. Shopee Express chỉ tập trung xử lý đơn hàng của sàn TMĐT Shopee, và hệ thống giao hàng chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn và các huyện đông dân cư. Nhưng số lượng đơn hàng bùng nổ do sự phát triển của TMĐT và lưu lượng hàng hóa lớn tại Hà Nội, TP.HCM là một động lực cho sự phát triển của hệ thống Shopee Express.


Nhu cầu đặt hàng và giao hàng cấp tốc của khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Shopee Express. Đến thời điểm hiện tại, Shopee Express là đơn vị duy nhất hoạt động dịch vụ giao hàng hỏa tốc trên Shopee và góp phần hoàn thiện hệ sinh thái Shopee. Thế nhưng để có thể cạnh tranh với các đơn vị giao hàng chặng cuối khác như VNpost, Viettel Post, GHTK; hay các đơn vị giao nhận hàng cấp tốc như Grab, Gojek, Ahamove, Lalamove,… thì Shopee Express cần phải đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, cơ cấu nhân sự, đồng thời nâng cấp các dịch vụ số.


Sau khi thành lập vào tháng 4 năm 2020, Shopee Express ngay lập tức phát triển mạnh mẽ và đạt mức doanh thu năm 2021 là hơn 3.5 nghìn tỷ, trở thành doanh nghiệp có doanh thu cao thứ 4 trong thị trường. Tuy nhiên do là doanh nghiệp thành lập mới, Shopee Express phải đầu tư và mở rộng rất nhiều để chiếm thị phần, Shopee Express báo lỗ gần 570 tỷ, mức lỗ cao nhất thị trường trong năm 2021.


Giao hàng nhanh

Giao hàng nhanh (GHN) là công ty giao nhận tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được thành lập vào năm 2012. GHN có 10 Kho Sorting, 2 kho Auto sorting năng suất tối đa cao nhất Việt Nam. Sở hữu hệ thống băng tải phân loại hàng tự động 100% đầu tiên tại Việt Nam với năng suất 30.000 đơn/giờ, cùng hệ thống ứng dụng lên đơn trực tuyến thông minh, thao tác dễ dàng và nhanh chóng.


GHN đang là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động vận hành và quản lý giúp cho việc giao nhận trở nên hiệu quả và nhanh chóng hơn, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa người gửi và người nhận.


Vào năm 2015, Giao hàng nhanh thành lập thêm một công ty con đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển tức thời tên Ahamove tại TP.HCM và Hà Nội, kết hợp hệ thống vận chuyển hàng hóa, chuyển nhà bằng xe hơi, ba gác, bán tải và xe tải.


GHN gặt hái được khá nhiều thành công trong năm 2021 với mức tăng doanh thu 26% và lợi nhuận tăng 86.4%. Doanh thu của GHN tăng từ hơn 1.9 nghìn tỷ lên gần 2.5 nghìn tỷ và thu được lợi nhuận sau gần 9 năm hoạt động với mức lợi nhuận hơn 12 tỷ, tuy không nhiều nhưng so với mức lỗ -92.7 tỷ năm 2020 thì doanh nghiệp đã bước đầu thành công trong kết quả kinh doanh.


Thị trường Chuyển phát nhanh năm 2021 cũng có nhiều cái tên mới khác với thị phần không cao nhưng có tiềm năng phát triển tốt và đạt mức doanh thu năm 2021 trên 1000 tỷ.


Công ty TNHH Swift 247 thành lập đầu năm 2019, là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hàng hoá trên nền tảng công nghệ, kết nối các phương thức vận chuyển đa phương thức và được phép kinh doanh vận tải hàng hoá bằng đường hàng không với đối tác chiến lược là Công ty Cổ phần hàng không Vietjet, Vietjet Cargo. Swift 247 với sự hỗ trợ từ Vietjet Air đã nhanh chóng phát triển và sinh lời. Doanh thu của Swift 247 tăng trưởng 8113.7% trong năm 2021 và đạt mức lợi nhuận sau thuế 6 tỷ đồng từ khoản lỗ 7 tỷ đồng năm 2020


Ninja Van là tay đua mới gia nhập thị trường vào năm 2018, xuất thân từ một hãng vận chuyển lớn ở Singapore. Ninja Van được đánh giá cao tại Singapore và khu vực Đông Nam Á, hãng hiện đã có mặt tại 6 quốc gia là Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Ninja Van vẫn còn trong giai đoạn đầu tư mở rộng mạng lưới nên chưa đạt được kết quả kinh doanh khả quan, với mức doanh thu năm 2021 khoảng 1.1 nghìn tỷ nhưng lợi nhuận sau thuế âm 410.6 tỷ (so với doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2020 lần lượt là 670 tỷ và -270.2 tỷ)


Tuy gặp phải nhiều khó khăn do giãn cách xã hội trong năm 2021, nhưng nhờ nhu cầu mua hàng qua các kênh online và sự hỗ trợ của Chính quyền, thị trường Chuyển phát nhanh vẫn phát triển tốt và có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm tới. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trong nước ước tính đạt 951.2 triệu tấn, tăng 8.6% so với cùng kỳ năm 2020.


Vietdata dự đoán ngành tăng trưởng nhanh nhất sẽ là vận chuyển hàng hóa chặng ngắn, phục vụ giao hàng nội thành, đặc biệt cho phân khúc giao hàng thương mại điện tử do ngành này được đánh giá sẽ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới.


Bên cạnh các trung tâm logistics với quy mô lớn, tích hợp nhiều chức năng; nhiều kho siêu nhỏ, theo mô hình nhượng quyền bưu cục chuyên phục vụ thương mại điện tử có thể sẽ là xu hướng trong năm 2022. Hình thành nhiều điểm trong mạng lưới logistics, đưa hàng hóa tới gần khách hàng hơn, rút ngắn thời gian giao hàng, thuận lợi hóa quá trình giao hàng chặng cuối.



Nguồn: Vietdata

bottom of page