top of page

Tận dụng EVFTA, tăng nhập khẩu từ EU phục vụ sản xuất

Nhờ EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu sang thị trường EU, đồng thời đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu từ EU với giá thấp hơn.


Sau hơn 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1/8/2020), các máy móc, thiết bị, nguyên liệu do Công ty CP Tập đoàn DKNEC nhập khẩu từ một số thị trường thành viên EU có lợi thế là thuế nhập khẩu giảm nhẹ.

Nguồn: Unsplash


Ông Đinh Văn Hiến, Chủ tịch HĐQT DKNEC cho biết, trước đó, thuế nhập khẩu các linh kiện và thiết bị lắp ráp (IKD) rất cao, khoảng 5 - 15% tùy loại linh kiện, nhưng từ khi EVFTA có hiệu lực (tháng 8/2020), thuế đã giảm chút ít.


Thuế suất tiếp tục giảm mạnh, nhất là từ năm thứ 3 sau EVFTA. Từ năm 2022 đến 2027, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt sẽ giảm từ 10,2% xuống còn khoảng 1%.


“Nhờ EVFTA, doanh nghiệp vừa được cung cấp thiết bị, vừa ứng dụng giải pháp để nâng cao sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối tác. EVFTA cũng tạo ra môi trường để doanh nghiệp giao lưu với các đối tác ở 27 quốc gia EU có công nghệ phát triển, từ đó phát huy vai trò của nhà cung cấp, lắp đặt, đầu tư để chuẩn hóa trình độ công nghệ”, ông Hiến chia sẻ.


Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, các mặt hàng có mức tăng trưởng nhập khẩu mạnh từ EU trong 2 năm đầu thực thi EVFTA là máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử và nguyên vật liệu.


Ông Đỗ Hữu Hùng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, ưu đãi thuế quan của EU trong EVFTA đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần tại EU. Doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận hàng hóa EU chất lượng cao.


Từ kết quả khảo sát, trao đổi về EVFTA, ông Hùng cho rằng các doanh nghiệp đã tận dụng tương đối hiệu quả các lợi thế của EVFTA trong việc nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên phụ liệu từ các nước châu Âu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.


Báo cáo “Việt Nam sau 2 năm thực thi EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Viện FNF dựa trên kết quả khảo sát hơn 500 doanh nghiệp trên cả nước cho biết, gần 41% doanh nghiệp đã từng hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA.


Đáng chú ý, thực thi EVFTA với thị trường “khó tính” EU, các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu buộc phải nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Đây được coi là động lực để doanh nghiệp Việt Nam chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang các nhóm hàng có giá trị gia tăng cao hơn.


Với việc xóa bỏ ngay 85,6% số dòng thuế giữa Việt Nam và EU, nhiều doanh nghiệp và ngành hàng Việt Nam được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.


Nguồn: baodautu.vn

bottom of page