top of page

Thương Hiệu Trang Sức Việt Vượt Khó Để Tăng Trưởng, PNJ Dẫn Đầu Thị Trường Việt Nam

Trang sức là một loại tài sản có tính đa dạng cao, có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau và đáp ứng được các đối tượng sử dụng khác nhau. Việc đầu tư vào trang sức, đặc biệt là trang sức vàng dần trở nên phổ biến hơn khi vàng có thể mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư ở nhiều bối cảnh kinh tế khác nhau.



Theo báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng Thế giới ( WGC) cho biết nhu cầu tiêu thụ vàng của Việt Nam trong quý 2 năm 2023 đã giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức giảm 2% của thế giới. Nhu cầu mảng trang sức của Việt Nam giảm từ 4.5 tấn trong quý II/2022 xuống còn 3,7 tấn vào quý II/2023, giảm 18% so với cùng kỳ.


Nhu cầu tiêu thụ trang sức của người tiêu dùng Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế. Bên cạnh đó, giá vàng cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung Ương làm giá vàng gia tăng khiến cho nhu cầu tiêu dùng trang sức cũng giảm. Từ đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong thị trường trang sức cũng bị ảnh hưởng đáng kể.


PNJ


Công ty PNJ được thành lập vào ngày 28/04/1988 với tên Cửa hàng kinh doanh Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Vào năm 2004 công ty chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. PNJ là một trong những thương hiệu hàng đầu của ngành trang sức Việt Nam.


Tính tới năm 2022, PNJ đã có tổng cộng 362 cửa hàng tại 55/63 tỉnh thành. Trong đó bao gồm 341 cửa hàng PNJ Gold, 7 cửa hàng PNJ Silver, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery, 5 cửa hàng Style by PNJ, 3 cửa hàng PNJ Watch và 3 cửa hàng PNJ Art. Với mục tiêu mở từ 30 – 35 cửa hàng trong 2022, PNJ đã hoàn thành kế hoạch đề ra về.


Với bối cảnh thị trường khó khăn, doanh thu của PNJ trong quý 3 và quý 4 năm 2022 giảm mạnh. Tuy nhiên với sự nỗ lực trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, lũy kế cả năm 2022 doanh thu của PNJ đạt 33,786 tỷ đồng, tăng 73.3% so với năm 2021. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu trang sức này ghi nhận 1,810 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ so với năm trước.


Doanh thu trong năm 2022 của PNJ tăng cao là do các hoạt động phát triển khách hàng mới, chăm sóc khách hàng hiệu quả cùng các chiến lược hàng hóa phù hợp và chương trình tiếp thị bán hàng đa dạng, linh hoạt phù hợp với nhu cầu của từng thị trường, nhóm khách hàng mục tiêu.


DOJI


Tập đoàn DOJI tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, thành lập năm 1994. Đến năm 2007 đổi tên thành Công ty CP vàng bạc đá quý & đầu tư thương mại DOJI. Vàng bạc Đá quý DOJI chủ yếu nhập vàng hạt từ Thụy Sĩ, sau đó gia công thành vàng miếng có độ nguyên chất cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.


Tính tới thời điểm hiện tại, DOJI có 15 công ty thành viên, trong đó có 5 công ty liên kết góp vốn đầu tư với hơn 61 chi nhánh, 200 trung tâm kinh doanh, hơn 400 đại lý và điểm bán trang sức trên toàn quốc. Những sản phẩm vàng đang được Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI khai thác kinh doanh rộng rãi trên toàn hệ thống gồm có vàng miếng và trang sức mỹ nghệ.


Sau hàng loạt các thương vụ thâu tóm để mở rộng hệ thống phân phối, DOJI đã trở thành doanh nghiệp kinh doanh trang sức có doanh thu hàng đầu Việt Nam, lên tới 100,000 tỷ đồng. Tuy nhiên những năm gần đây, doanh thu của DOJI đang tụt dốc khá nhanh. Cụ thể, trong năm 2022 thương hiệu trang sức ghi nhận mức doanh thu là 77,191 tỷ đồng, giảm 19.7% so với năm 2021.


Mặc dù DOJI vẫn giữ vị trí doanh thu lớn nhất trên thị trường trang sức Việt Nam nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại cực kỳ thấp so với PNJ. Mức lợi nhuận của DOJI trong năm 2022 chỉ đạt 1,016 tỷ đồng thấp hơn khá nhiều so với mức lợi nhuận của PNJ.



SJC


Được thành lập năm 1988 với tên gọi Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn. Vào ngày 16/09/2010 SJC đổi sang tên mới là Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn. SJC là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con như một tập đoàn kinh doanh đa ngành trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là ngành kinh doanh chính, bên cạnh đó là địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ.


Hiện tại công ty có 23 chi nhánh lớn, 6 công ty con cùng với 6 công ty liên kết, thêm 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Bên cạnh đó là hơn 200 cửa hàng chính, 43 đại lý lớn cùng trên 3000 cửa hàng liên kết nghiệp vụ bán lẻ trên toàn quốc. SJC đã phủ sóng hầu như mọi khu vực trong nước. Ngoài ra, hiện tại SJC được coi là đơn vị định giá vàng tại Việt Nam, nó phản ánh trực tiếp giá vàng trong nước và xu hướng trong tương lai.


Trong năm 2022, tình hình kinh doanh của SJC đã có khởi sắc hơn so với năm 2021. Cụ thể, thương hiệu này đã đạt được doanh thu là 27,153 tỷ đồng, tăng gần 10,000 tỷ đồng so với năm 2021. Theo đó, lợi nhuận của SJC cũng tăng nhẹ và đạt 48.5 tỷ đồng.


Bảo Tín Minh Châu


Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu được thành lập ngày 21/05/1989. Với 34 năm phát triển, Bảo Tín Minh Châu đã có 3 cơ sở kinh doanh tại Hà Nội và trên 200 đại lý trên toàn quốc với 2 sản phẩm chính là Vàng Rồng Thăng Long và Vàng trang sức chất lượng cao.


Trong những năm gần đây, doanh thu của thương hiệu trang sức này gia đăng đáng kể. Mặc dù có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nhưng giai đoạn này Bảo Tín Minh Châu tăng trưởng cực kỳ tốt. Cụ thể, doanh thu năm 2022 của thương hiệu này ghi nhận là 1,069 tỷ đồng, tăng 33.1% so với năm 2021.


Doanh thu của Bảo Tín Minh Châu cực kỳ cao nhưng lợi nhuận sau thuế thì lại rất thấp, chỉ trong khoảng vài tỷ đồng. Mức lợi nhuận hơn 4 tỷ đồng trong năm 2022 của Bảo Tín Minh Châu là mức lợi nhuận cao nhất trong 3 năm gần đây của thương hiệu này.


Mi Hồng


Tiệm vàng Mi Hồng do công ty TNHH Mi Hồng độc quyền kinh doanh, thành lập từ năm 1989. Mi Hồng kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vàng bạc trang sức, đá quý, mua bán vàng miếng, kinh doanh bất động sản và dịch vụ cầm đồ.


Trong năm 2021 là giai đoạn mà Mi Hồng đã có sự sụt giảm nhẹ về cả doanh thu và lợi nhuận, nhưng đến năm 2022, công ty này đã có bước phục hồi khá tốt. Doanh thu và lợi nhuận của công ty này đã tăng trở lại và thậm trí là còn tăng hơn so với những năm trước.


Cụ thể, Mi Hồng đã ghi nhận mức doanh thu đạt 585 tỷ đồng, tăng 43.8% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, lợi nhuận của công ty này cũng tăng đáng kể, từ con số lợi nhuận chỉ hơn 533 triệu đồng trong năm 2021 bước sang năm tăng lên gần gấp đôi đạt hơn 1 tỷ đồng.


Thế Giới Kim Cương


Thế Giới Kim Cương là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam chuyên về kim cương và trang sức được thành lập vào năm 2005. Vào ngày 30/04/2020 Thế giới Kim Cương đã chính thức trở thành công ty thành viên của Tập đoàn DOJI. Cho đến nay Công ty đã có một đội ngũ hơn 800 nhân viên và hệ thống hơn 100 cửa hàng phủ rộng khắp toàn quốc.


Doanh thu của Thế Giới Kim Cương sau khi trở thành công ty thành viên của DOJI đang tăng trưởng khá tốt. Mức doanh thu thuần của thương hiệu trang sức này trong năm 2022 đạt hơn 1,800 tỷ đồng tăng 500 tỷ so với năm 2021. Bất ngờ nhất là lợi nhuận của Thế Giới Kim Cương tăng cực mạnh. Khi trong năm 2020 thương hiệu này đang chịu lỗ hơn 1 tỷ đồng thì chỉ 1 năm sau đó khoản lỗ này đã trở thành mức lợi nhuận hơn 27 tỷ đồng.



Kim Tín


Tiền thân của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín là công ty kinh doanh vàng bạc đá quý và chế tác vàng bạc đá quý được sáng lập vào năm 1979. Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín tại Cao Bằng hiện có mặt sàn hàng nghìn m2 được sử dụng làm mặt bằng kinh doanh bán lẻ các loại sản phẩm vàng bạc đá quý, vàng 9999.


Doanh thu của Kim Tín trong 2 năm 2021 và 2022 không có biến động nhiều, chỉ ở trong khoảng 180 tỷ đồng. Lợi nhuận của thương hiệu này cũng tương tự như doanh thu, đạt khoảng 1.2 tỷ đồng. Tuy nhiên so với năm 2020 thì mức lợi nhuận của Kim Tín giảm khoảng 27%.


D.I


Công ty TNHH D.I là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất các loại sản phẩm nữ trang cao cấp xuất khẩu đi các thị trường Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Cùng với chính sách phát triển đa dạng hóa sản phẩm, D.I luôn cung cấp các sản phẩm cao cấp với nhiều mẫu mã đa dạng và hiện đại, phù hợp nhu cầu phát triển của thị trường hiện nay.


Trong giai đoạn 2020-2022 tình hình kinh doanh của D.I được xem là khá tốt khi doanh thu mỗi năm của công ty này đều tăng nhẹ khoảng hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận của D.I lại không có sự tăng trưởng được như doanh thu. Trong năm 2022 lợi nhuận của công ty này đạt khoảng 57 tỷ đồng, có giảm nhẹ so với năm 2021 nhưng không quá lớn.


Jewelry Khan


Công Ty TNHH Jewelry Khan thành lập từ năm 1978 tại Hàn Quốc. Đến năm 2017 công ty này chính thức gia nhập thị trường Việt Nam và công ty được đặt tại Hưng Yên. Jewelry Khan là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đồ trang sức tại Hàn Quốc. Chuyên thiết kế, gia công, sản xuất, phân phối, và xuất khẩu các sản phẩm trang sức vàng bạc đá quý.


Có thể nói năm 2021 Jewelry Khan kinh doanh khá tốt khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng cao, nhưng đến năm 2022 con số này lại giảm đáng kể. Cụ thể, trong năm 2022 doanh thu của Jewelry đạt 1,263 tỷ đồng, giảm 22.2% so với năm 2021. Lợi nhuận của công ty này còn giảm tới gần 1 nửa chỉ còn khoảng 12 tỷ đồng so với mức 23 tỷ đồng ở năm 2021.


Trang sức vàng không chỉ là phụ kiện làm đẹp, mà còn có vai trò bảo toàn giá trị tài sản xuyên suốt lịch sử tại Việt Nam. Hiện Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế năng động với tiềm năng phát triển mạnh mẽ và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng thu nhập tại Việt Nam sẽ tạo đà cho việc mua sắm trang sức vàng nói chung và tạo cơ hội cho ngành chế tác vàng nói riêng.


Nguồn: Báo cáo ngành trang sức của Vietdata

bottom of page