top of page

Điện Gió chiếm gần 80% số dự án năng lượng tái tạo hòa lưới 2023

Điện gió là một nguồn năng lượng tái tạo sạch và thân thiện với môi trường. Bằng sự chuyển động của các cánh quạt khổng lồ trong môi trường gió mạnh, cơ năng sẽ được tạo ra và truyền đến máy phát điện để tạo ra điện. 



Trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, vai trò của điện gió cũng như năng lượng tái tạo khác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nó không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, việc đầu tư phát triển điện gió cũng mang lại nhiều cơ hội việc làm và góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương có tiềm năng về điện gió.


Theo một nghiên cứu gần đây, năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng lớn với hơn 39% diện tích của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 6 m/s ở độ cao 65m và hơn 8% diện tích đất liền của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 7 m/s. Điều này tương ứng với tiềm năng tài nguyên gió là 512 GW và 110 GW.


Những năm gần đây, điện gió đã trở thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng cuối năm 2023, tổng công suất điện gió toàn hệ thống Việt Nam đạt 4948.5 MW. Trong thời gian tới, điện gió tiếp tục được kỳ vọng là một trong những nguồn năng lượng tái tạo chủ lực của Việt Nam. Do đó, chính phủ Việt Nam đã đặt một số mục tiêu cho ngành đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt điện gió tăng thêm ở ngoài khơi là 6.000 MW, trong khi đó tổng công suất lũy kế điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW.



Những con số đáng chú ý về ngành điện gió năm 2023


Mặc dù nguồn điện năng lượng tái tạo đang được ưu tiên đầu tư mạnh, chiếm gần 30% trong tổng công suất nhưng việc phân bố loại điện này chưa đồng đều và người dân vẫn có nguy cơ thiếu điện. Nguyên nhân được cho là chỉ một phần công suất được truyền vào hệ thống điện quốc gia và phần lớn các dự án năng lượng tái tạo đều tập trung ở miền Trung, miền Nam, nơi nhu cầu và tăng trưởng điện thấp hơn miền Bắc trong khi đó cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng để truyền tải đủ lượng điện từ miền Trung và miền Nam ra miền Bắc.


Đối với riêng lĩnh vực điện gió, ngành cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn như khó khăn trong quá trình giải tỏa mặt bằng, kêu gọi đầu tư, chi phí nguyên liệu, chi tiết dự phòng tăng cao (giá thép và các nguyên tố đất hiếm tăng) và khó khăn trong quy trình đảm bảo vận hành khiến ngành điện gió phải đối mặt với áp lực tài chính đáng kể từ việc xây dựng nhà máy, lắp đặt đến bảo trì tuabin gió. Do đó, bên cạnh việc giải quyết các thách thức, chính phủ cũng đang xem xét chủ trương nhập khẩu điện gió từ ngoài như Lào,...


Một số công ty có dự án điện gió hoàn thành COD và hòa lưới 2023

Chủ đầu tư

Nhà máy

Công suất

T&T

NMĐ gió Lạc Hòa 2

130.000 MW

ĐIỆN GIÓ TIỀN GIANG

NMĐ gió Tân Phú Đông 1

100.000 MW

HANBARAM

NMĐ gió Hanbaram

93.000 MW

ĐIỆN GIÓ MEKONG

NMĐ gió Bình Đại, NMĐ gió Bình Đại số 2 và số 3 

25.80 MW

49.00 MW

49.00MW

ĐIỆN GIÓ HÒA ĐÔNG 2

NMĐ gió Hòa Đông 2

45.60 MW

THỦY ĐIỆN SÔNG LAM

MĐ gió Tân Ân 1 - Giai đoạn 2021 - 2025

45.00 MW

FICO BÌNH ĐỊNH

NMĐ gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2

30.00 MW

TÂN HOÀN CẦU

NMĐ gió Hướng Hiệp 1

25.50 MW

NĂNG LƯỢNG VPL

NMĐ gió VPL Bến Tre

4.20 MW

T&T

T&T Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng có hàm lượng các bon thấp (như khí LNG). Hiện nay, tập đoàn đang triển khai phát triển đồng bộ các dự án quy mô lớn tại khu vực miền Trung - khu vực Tây Nguyên và khu vực Miền Nam. 


Trong lĩnh vực điện gió, năm 2023, tập đoàn đã hoàn thành dự án Nhà máy điện gió Lạc Hòa 2 với công suất 130 nghìn MW. Hướng tới mục tiêu 2035, tập đoàn và các đối tác đã đề xuất bổ sung trong Quy hoạch điện VIII, thêm gần 30 GW bao gồm: điện mặt trời, điện gió trên bờ, điện sinh khối và điện rác,... Các dự án đã được cập nhật vào quy hoạch của nhà nước.


Về kinh doanh, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của T&T Group cho thấy sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Cụ thể, công ty chứng kiến sự tăng đều về doanh thu thuần trong giai đoạn 2020-2021, với mức tăng 13-14% trong khi đó lợi nhuận sau thuế tăng mạnh trong năm 2021 sau đó có phần chững lại ở năm 2022, đạt hơn 350 tỷ đồng.


TÂN HOÀN CẦU

Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu được thành lập ngày 27/4/2005, có trụ sở tại Quảng Bình, và là một doanh nghiệp lớn ở khu vực miền Trung, gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Mai Văn Huế. Hoạt động kinh doanh của tập đoàn tập trung vào lĩnh vực sản xuất năng lượng với hàng loạt dự án điện gió và thủy điện tại miền Trung.


Trong mảng điện gió, Tân Hoàn Cầu đang đầu tư cụm dự án (tổng cộng 420 MW), gồm cụm dự án điện gió Hướng Linh – Quảng Trị (150 MW), cụm dự án điện gió Hướng Hiệp 1– Quảng Trị (90 MW). Trong đó, nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1 (25.5 MW) được đưa vào vận hành thương mại 2023.


Bức tranh kinh doanh của Tân Hoàn Cầu chưa có tín hiệu tích cực trong giai đoạn ba năm khi doanh thu giảm 70% năm 2021 và không phát sinh trong năm 2022. Điều này làm cho lợi nhuận sau thuế của công ty giảm xuống mức âm 10 tỷ đống năm 2022.


Doanh thu thuần của một số công ty có nhà máy điện gió hòa lưới năm 2023


ĐIỆN GIÓ TIỀN GIANG

Công ty Cổ phần Năng lượng Điện gió Tiền Giang là thành viên của Công ty CP Điện Gia Lai ( GEC chiếm 55% vốn điều lệ năm 2023),  thuộc công ty hạt nhân của ngành năng lượng TTC. Công ty chủ đầu tư của nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 và Tân Phú Đông 2 với tổng công suất 150 MW. Đây cũng là dự án điện gió đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang và là dự án điện gió thứ 3 của GEC.


Điện gió Tiền Giang ghi nhận sự tăng trưởng đáng chú ý trong hai năm 2021 và 2022. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đã tăng hơn 7 lần vào năm 2022 kéo theo lợi nhuận sau thuế tăng gần 130%, đạt hơn 280 tỷ đồng thu và gần 4 tỷ lợi nhuận.


NĂNG LƯỢNG VPL

Công Ty Cổ Phần Năng Lượng VPL thành lập ngày 10-03-2017 với hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất điện và là công ty thành viên của CTCP Điện Gia Lai ( GEC chiếm 89% vốn điều lệ). Năm 2023, công ty đã hoàn thành dự án và vận hành thành công nhà máy điện gió VPL Bến Tre với công suất 4.2 nghìn MW.


Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022, Năng lượng VPL chứng kiến sự phát triển khá ổn định khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều có sự tăng trưởng đáng kể. Với doanh thu thuần tăng gấp 5 lần so với năm trước, lợi nhuận của công ty cũng ghi nhận mức tăng 17% trong năm 2022, đạt gần 20 tỷ đồng.


FICO BÌNH ĐỊNH

Công ty Cổ phần Năng lượng FICO Bình Định là chủ đầu tư của Nhà máy điện gió Nhơn Hội , được xây dựng tại núi Phương Mai thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội. Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1 có công suất 30 MW vận hành thương mại năm 2021. Trong khi đó, dự án nhà máy điện gió Nhơn Hội 2 có công suất 30 MW, nằm trên diện tích đất khoảng 201 ha với tổng vốn đầu tư hơn 1.249 tỷ đồng, đến năm 2023 mới hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia.


Về tình hình kinh doanh trong hai năm 2021 và 2022, mặc dù FICO Bình Định có sự tăng mạnh về doanh thu thuần nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty lại xu hướng giảm nhẹ chỉ đạt được hơn 10 tỷ đồng năm 2022.



Lợi nhuận sau thuế của một số công ty có nhà máy điện gió hòa lưới năm 2023


ĐIỆN GIÓ HÒA ĐÔNG 2

Công ty TNHH Điện gió Hòa Đông 2 được thành lập vào tháng 8/2020 và là chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió cùng tên tại phường Khánh Hòa, xã Hòa Đông và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, có một nhà máy công suất 45.6 nghìn MW được hoàn thành năm 2023.


Trong giai đoạn 2021-2022, Điện gió Hòa Đông 2 đã chứng kiến một xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu thuần. Năm 2022, doanh thu tăng vọt gấp 6 lần so với năm 2021, đạt gần 140 tỷ đồng. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế có sự giảm nhẹ, chỉ đạt khoảng 3.5 tỷ đồng vào năm 2022.


THỦY ĐIỆN SÔNG LAM

Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Sông Lam được thành lập năm 2007 bởi các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng điện. Đây cũng là chủ đầu tư của nhà máy điện gió Tân Ân 1 (giai đoạn 2021 - 2025) công suất 45MW tại xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển) đã thi công hoàn thành năm 2023.


Công ty Thủy điện Sông Lam ghi nhận sự phát triển đáng kể về doanh thu thuần, tăng gần 6 lần so với doanh số năm trước, đạt gần 140 tỷ đồng. Trong khi đó, khác với sự tăng trưởng ổn định của doanh thu, lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2022 chạm mức âm 15 tỷ đồng.


HANBARAM

Hanbaram là dự án năng lượng tái tạo của tập đoàn BB Group. Với sự thành lập của CTCP Điện gió Hanbaram vào 5/2018, tập đoàn đã lấn sân sang đầu tư mảng năng lượng tái tạo với dự án nhà máy điện gió Hanbaram - công suất 93 nghìn MW.


Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hanbaram ghi nhận xu hướng tăng trưởng trái ngược nhau. Khác với sự tăng trưởng vượt trội của doanh thu thuần với mức tăng 800% từ năm 2021 đến năm 2022, lợi nhuận sau thuế không có tín hiệu khả quan khi ghi vẫn nhận mức lợi nhuận âm trong hai năm.


ĐIỆN GIÓ MEKONG

Công ty Cổ phần điện gió Mê Kông được thành lập vào ngày 28/3/2017 và là doanh nghiệp liên doanh giữa Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) và Tập đoàn GULF (Thái Lan). Sau nhiều lần được đầu tư góp vốn, hiện tập đoàn Năng lượng GULF sở hữu 95% vốn công ty. Dự án nổi bật của công ty là 3 dự án điện gió Bình Đại số 1, 2 và 3 thuộc tính Bến Tre với tổng số công suất lên tới 123.8 nghìn MW.


Điện gió Mekong ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu vào năm 2022 nhưng lợi nhuận có xu hướng tiêu cực. Cụ thể, doanh thu của công ty tăng gần 200% vào năm 2022, đạt khoảng 14 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm xuống mức âm hơn 200 tỷ đồng.


Điện gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh phát triển theo xu hướng nhằm hướng đến cam kết giảm phát thải ròng của chính phủ vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này và phát triển nguồn năng lượng điện gió trong tương lai, chính phủ cần xây dựng khung pháp lý phù hợp và những chính sách thuận lợi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, việc áp dụng những công nghệ mới trong quy trình sản xuất và bảo trì cũng có thể giúp giảm bớt chi phí và tăng tính cạnh tranh của ngành điện gió tại Việt Nam.


Nguồn: Báo cáo thị trường sản xuất điện gió của Vietdata năm 2023








bottom of page