top of page

Kỳ vọng ngành thép phục hồi: sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023

Theo dự báo của Bộ Công Thương, sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) kỳ vọng ngành phục hồi bền vững, bởi hiện tại, sự phục hồi này chưa chắc chắn với nhiều lý do...


Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/2024, sản xuất thép thô đạt hơn 927.000 tấn, tăng 2,6%so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ tháng 7/2023. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 2,527 triệu tấn, tăng gần 2,6% so với tháng 6/2024 và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023.



Bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 2,4 triệu tấn, tăng 4,2% so với tháng 6/2024. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm các loại trong tháng 7/2024 đạt hơn 681.000 tấn, tăng 2,84% so với tháng trước nhưng giảm 3,1% so với cùng kỳ 2023. Xuất khẩu các mặt hàng thép xây dựng, thép cán nguội và tôn mạ tăng so với tháng 6/2024. Trong khi thép cán nóng (HRC) giảm 42,1% và ống thép giảm 5,8%.



Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, sản xuất thép thô đạt hơn 12,8 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Tiêu thụ thép thô nội bộ và xuất bán đạt 12,4 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,58 triệu tấn, tăng 45% so với cùng kỳ 2023.


Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 16,9 triệu tấn, tăng 9,4%. Trong đó, sản xuất thép tôn mạ kim loại & sơn phủ màu đạt mức tăng cao nhất là 29,2%, thép xây dựng 14,6% và HRC là 2,9%. Sản xuất thép cuộn cán nguội và ống thép đều ghi nhận mức tăng trưởng âm lần lượt là 14,9% và 1,1%.


Bán hàng thép thành phẩm đạt 16,7 triệu tấn, tăng 14,3% so với 7 tháng 2023. Xuất khẩu thép thành phẩm 7 tháng đầu năm 2024 đạt 4,8 triệu tấn, tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ 2023. Mức tăng trưởng cuộn cán nguội (CRC) đạt cao nhất 40,6%, tiếp đến là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép xây dựng. Tuy nhiên, xuất khẩu ống thép giảm 1,2% và HRC giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ 2023.


Về nhập khẩu, 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam đạt khoảng 8,2 triệu tấn với trị giá hơn 5,9 tỷ USD, tăng 47,8% về lượng và tăng 25,1% về giá trị so với cùng kỳ 2023.


Trong cùng kỳ, Việt Nam đã xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn thép, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023.


Phục hồi chưa chắc chắn


Nhiều chuyên gia cũng đã nhận định, với sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản nhà ở và sự gia tăng số lượng dự án mới được cấp phép, trong nửa cuối năm 2024, sản lượng tiêu thụ thép nội địa được dự báo sẽ hồi phục. Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi và có hiệu lực được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.


Đặc biệt, mới đây, Bộ Công thương đã quyết định điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc; điều tra áp dụng chống bán phá giá với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc…


Nếu việc điều tra phát hiện hành vi vi phạm, được áp thuế sẽ giúp cho ngành thép trong những năm tới cạnh tranh công bằng hơn, sự phục hồi của mặt hàng tôn, cuộn cán nóng của doanh nghiệp trong nước sẽ tốt hơn.


Theo dự báo của Bộ Công Thương, sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, sự phục hồi này chưa chắc chắn bởi tình trạng cung vượt cầu của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tải quốc tế tăng... cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép.


Để thực sự là ngành kinh tế nền tảng và phát triển trong những năm tới, VSA cho biết, ngành thép cần sự trợ giúp của Nhà nước trong các vấn đề liên quan phòng vệ thương mại với sản phẩm nhập khẩu, tạo sự cạnh tranh công bằng hơn. Đồng thời, bản thân doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh và khả năng tự vệ trước các cuộc điều tra của nước nhập khẩu.


VSA nhận định, với những điểm sáng của kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024, nhiều lĩnh vực trong tháng 7 đạt kết quả cao hơn tháng trước và 7 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng. Các văn bản luật liên quan đến thị trường bất động sản, luật đất đai... có hiệu lực có thể tạo động lực thị trường thép phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm 2024.


(doanhnghiepvn.vn)



Comments


bottom of page