top of page

Dệt may Việt Nam 10T-2021 - Phục hồi sau dịch nhưng còn nhiều khó khăn

Ngành dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động nên dù đã khôi phục sản xuất sau dịch nhưng các doanh nghiệp trong ngành vẫn phải chịu gánh nặng về chi phí phòng chống dịch bệnh trong quá trình hoạt động. Hiện mới có khoảng 80-85% công nhân trở lại làm việc.


Trong tháng 10/2021, hoạt động sản xuất của hầu hết các nhóm hàng phục hồi nhanh hơn dự kiến, trong đó chỉ số sản xuất của ngành da giày tăng 24,52%, ngành may tăng 15,12% so với tháng trước, trong khi ngành dệt may chỉ tăng15,12% so với tháng trước do ít bị ảnh hưởng trong đợt dịch vừa qua. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, sự phục hồi của nhóm hàng giày dép, túi xách vẫn chậm hơn so với các nhóm hàng khác.

Sản lượng giày dép, quần áo may sẵn, vải tổng hợp đều cao hơn so với tháng 10/2020.


Sau 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 49,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với 10 tháng đầu năm 2020. Trong đó, tăng trưởng ở hầu hết các mặt hàng (trừ túi xách vẫn giảm 5,6%). Trong đó, xuất khẩu sợi (tăng 55,0%) và vải xếp nếp và vải kỹ thuật (tăng 80,4%) tăng mạnh nhờ hưởng lợi về giá do giá nguyên liệu đầu vào tăng.


Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc tăng 16,1%, giày dép tăng 38,1%, túi xách tăng 62,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, riêng giá trị xuất khẩu giày dép, túi xách da vẫn giảm từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với đà sản xuất và hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu như hiện nay, Hiệp hội Dệt may mới đây ước tính giá trị xuất khẩu của riêng ngành dệt may (không kể da giày, túi xách) năm 2021 có thể đạt ~ 38 tỷ USD, tăng trưởng 8,1% so với đến năm 2020 (trong trường hợp lạc quan). Trong đó, xuất khẩu sợi ước đạt 5,3 tỷ USD (tăng 42%) nhờ duy trì năng lực sản xuất cao do đặc điểm ít lao động hơn các nhóm hàng còn lại, tỷ lệ tự động hóa cao trong khi giá sợi tăng. Ngoài ra, xuất khẩu vải các loại dự kiến đạt 2,4 tỷ USD.


Mặc dù sản xuất phục hồi nhanh hơn dự kiến (hiện có ~ 80% lao động đã trở lại), nhu cầu thị trường xuất khẩu thuận lợi nhưng các doanh nghiệp trong ngành vẫn gặp một số thách thức khó khăn:


(i) Áp lực tăng giá nguyên vật liệu (NPL) đang khiến giá thành từng sản phẩm dệt may tăng, trong khi không thể tăng giá bán sản phẩm trong bối cảnh thị trường mới phục hồi; Giá cước vận tải biển vẫn neo ở mức cao. Ngoài ra, nguồn cung NPL từ Trung Quốc cũng bị hạn chế do hoạt động sản xuất tại nước này bị đình trệ do thiếu điện.

(ii) Cùng với đó, là ngành thâm dụng lao động nên việc duy trì chi phí phòng, chống dịch bệnh trong quá trình hoạt động cũng là gánh nặng đối với các doanh nghiệp trong ngành.

(iii) Ngoài ra, một số nhóm hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam vào EAEU (Liên minh Kinh tế Á-Âu) có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại do vượt ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi theo quy định trong 7 tháng đầu năm của Năm 2021. Tùy theo lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp thuế MFN trong 6 tháng hoặc 9 tháng.



Nguồn: Trích Báo cáo ngành Dệt may của Vietdata 11-2021

bottom of page