top of page

Tp. Hồ Chí Minh định hướng chuyển đổi khu công nghiệp thu hút vốn đầu tư

Hiện tại, khó khăn lớn nhất của các khu công nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh là quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án lớn.


Trong quý đầu năm, tổng vốn đầu tư gồm vốn mới cấp và điều chỉnh ở các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh đạt 90,14 triệu USD, tăng hơn 21% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nguồn vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài giảm gần 86%, chỉ đạt 2,17 triệu USD. Chính vì vậy, trong thời gian tới, TP.Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều biện pháp thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp; tháo gỡ vướng mắc cho các khu công nghiệp đã thành lập nhưng chưa triển khai dự án hoặc hỗ trợ thành lập các khu công nghiệp mới.



Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (Hepza) TP.Hồ Chí Minh nhận định, trong quý I/2023, vốn đầu tư cấp mới giảm mạnh, đặc biệt không có dự án lớn, không có dự án mang tính dẫn đầu, lan tỏa. Các doanh nghiệp FDI được cấp giấy phép mới tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo và 100% dự án thuê lại nhà xưởng có sẵn trong các khu công nghiệp.


Hiện tại, khó khăn lớn nhất của các khu công nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh là quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án lớn. Quỹ đất sạch có thể thu hút đầu tư được là 351 ha. Tuy nhiên, nhiều khu đất chưa chuẩn bị được mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật. Nên trong năm 2023, số liệu cập nhật mới nhất là chỉ có khoảng 41 ha có thể cho thuê ngay được. Số đất này cũng rải rác, không tập trung và có diện tích nhỏ, chỉ từ 5.000 - 10.000m2. Điều này là một trong những khó khăn cho thành phố trong thu hút các dự án đầu tư lớn. Một số khu công nghiệp được thành lập giai đoạn đầu thiếu các công trình hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, chưa đáp ứng được nhu cầu của hơn 71% lao động đến từ các tỉnh. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư…


“Mặt khác, đến năm 2041 và một số năm tiếp theo sẽ có một số khu chế xuất, khu công nghiệp bắt đầu hết thời hạn thuê đất của nhà nước. Cùng với đó, bản thân vùng không gian xung quanh một số khu chế xuất, khu công nghiệp đã rất đông dân cư và là các đô thị phát triển. Do đó, cần phải xác định một lộ trình thích hợp từng bước chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu theo các mô hình khu công nghiệp hiệu quả hơn; Tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, tăng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ”, ông Hưng cho biết.


Dù vậy, tuy FDI giảm sâu, diện tích đất sử dụng giảm 85% so với cùng kỳ năm 2022 (14,30 ha), song diện tích nhà xưởng cho thuê những tháng đầu năm 2023 lại tăng gấp 6 lần, lên 52.825m2. Điều này cho thấy, nhu cầu thuê làm nhà xưởng nhỏ, văn phòng của nhà đầu tư tại TP.Hồ Chí Minh rất cao. Quỹ đất lớn không có, TP.Hồ Chí Minh có phần thua thiệt trong thu hút đầu tư, nhưng rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, khi đặt chân đến Việt Nam muốn có mặt tại TP.Hồ Chí Minh, cho dù giá thuê bất động sản công nghiệp có cao hơn.


Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo giao Hepza trong năm 2023 hoàn thành xây dựng chính sách để triển khai thực hiện đề án trong việc chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp, bao gồm tích hợp phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; tiêu chí công nghệ của doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hoặc di dời khỏi khu chế xuất, khu công nghiệp; chuẩn bị quỹ đất tiếp nhận doanh nghiệp di dời, chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp...


“Đối với Đề án chuyển đổi thí điểm 5 khu chế xuất, khu công nghiệp: Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu, giao Hepza làm việc với Viện Nghiện cứu phát triển thành phố thống nhất đề án để triển khai vào tháng 6/2024. Việc dời thời gian chuyển đổi đến năm 2024 (thay vì tháng 6 năm 2023), để các đơn vị có thời gian nghiên cứu thêm và đề xuất các chính sách phục vụ chuyển đổi cho phù hợp, khả thi và đúng quy định”, ông Hoan nói.


(Thời báo Ngân hàng)




Danh sách các công ty trong các khu công nghiệp & cụm công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh: (Business directory) List of companies in Industrial & Cluster parks in HCMC | Vietdata Research


bottom of page