Đến cuối 2023, tổng lỗ lũy kế của 4 doanh nghiệp tham gia cuộc chơi gọi xe công nghệ lên đến 14.000 tỷ đồng.
Theo thông báo từ Gojek, từ ngày 16/9 hãng gọi xe Indonesia sẽ đóng cửa hoạt động tại Việt Nam sau 6 năm kinh doanh tại đây. Đơn vị này cho biết cho biết công ty mẹ là Tập đoàn GoTo (Indonesia) ra quyết định này khi đánh giá lại sự hiện diện trên thị trường để tối ưu hóa tăng trưởng. Quyết định này nhằm củng cố hoạt động kinh doanh và phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty.
"Chúng tôi sẽ có các hỗ trợ cần thiết với tất cả bên bị ảnh hưởng trong suốt quá trình chuyển tiếp này, đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành", Đại diện Gojek cho biết thêm.
Gojek gửi lời cảm ơn chân thành đến toàn bộ nhân viên, người dùng, đối tác tài xế, đối tác nhà hàng, những người đã đồng hành cùng Gojek tại Việt Nam. Công ty cam kết sẽ hỗ trợ các bên liên quan trong suốt quá trình chuyển đổi, đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành.
Gojek rút lui khỏi thị trường Việt Nam trong bối cảnh hãng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ lâu năm là Grab và Be. Ngoài ra, phải kể đến sự xuất hiện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên thị trường gọi xe công nghệ với hãng taxi điện Xanh SM phủ khắp cả nước chỉ sau hơn 1 năm.
Hãng gọi xe đến từ Indonesia trong những năm gần đây đang dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ.
Theo báo cáo "The Connected Consumer quý I/2024" của Decision Lab, đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam, Grab vẫn là hãng xe được người Việt sử dụng nhiều nhất, nhưng thị phần đã bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi hai hãng nội địa là Xanh SM và Be, trong khi Gojek bị đẩy xuống vị trí thấp hơn.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, 48% người Việt lựa chọn Grab khi sử dụng dịch vụ di chuyển, Xanh SM vươn lên vị trí thứ 2 khi chiếm 32% và Be là 24%, trong khi chỉ có 22% nngười dùng thường xuyên sử dụng Gojek. Cách đây vài năm, Gojek từng chiếm vị trí cao hơn, nhưng đã bị đẩy lùi trong bối cảnh thị trường có thêm sự cạnh tranh.
Với việc đánh mất thị phần, kết quả kinh doanh của Gojek cũng có phần kém khả quan. Trong năm 2023 trước sự xuất hiện của GSM, doanh thu của công ty này đã giảm mạnh còn khoảng 200 tỷ đồng, trong khi các đối thủ đều mang về hơn nghìn tỷ. Grab vẫn đang thể hiện vị thế "anh cả" của mình khi mang về khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, lớn nhất trong mảng này tại Việt Nam.
Mức lỗ 2023 của Gojek đột ngột giảm mạnh chỉ còn 250 tỷ so với mức kỷ lục gần 1.400 tỷ của năm 2022 trong khi doanh thu thấp cho thấy từ năm ngoái, hãng gọi xe này đã bắt đầu dừng việc "đốt tiền". Theo số liệu của chúng tôi, tính đến cuối 2023, Gojek đã lỗ lũy kế khoảng gần 5.700 tỷ đồng trong 6 năm qua.
Cả Grab và be cũng đều có mức lỗ lũy kế vài nghìn tỷ. Tuy nhiên điểm khác biệt là Grab đã bắt đầu có lãi, thậm chí lãi tới cả nghìn tỷ trong năm 2023.
Theo Business Times (Singapore), Gojek Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị giao dịch của GoTo trong quý 2/2024. Do đó, việc rút khỏi Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty.
Gojek lần đầu ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8/2018 với tên gọi GoViet, cung cấp dịch vụ GoBike (gọi xe máy) và GoSend (giao nhận). Chỉ sau hai tháng, hãng mở rộng thêm dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến GoFood.
Đến tháng 8/2020, thương hiệu GoViet chính thức bị thay thế bởi Gojek Việt Nam, với màu sắc nhận diện, trang phục tài xế chuyển từ đỏ sang xanh lá cây, đen và trắng, tương tự như công ty mẹ.
Trước đó, Gojek đã rút khỏi Thái Lan vào 2021. GoTo hiện tập trung vào thị trường quê nhà và Singapore. Tại Indonesia, tổng giá trị các giao dịch (GTV) và số lượng đơn hàng hoàn thành tại Gojek vào quý 2/2024 tăng lần lượt 18% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Ở Singapore, Gojek chứng kiến thị phần tăng 3 điểm phần trăm trong quý vừa qua. Thị trường này được biết đến với giá trị đơn hàng trung bình (AOV) ở mức cao, tiếp tục là một thị trường trọng điểm của GoTo.
Về Gojek, đây là startup kỳ lân nổi tiếng tại Đông Nam Á, được thành lập vào năm 2010 tại Jakarta của Indonesia với xuất phát điểm là đội ngũ vỏn vẹn 20 tài xế xe máy. Năm 2015, ứng dụng Gojek đã ra mắt vào tại thị trường Indonesia, cung cấp 3 dịch vụ đặt xe máy (GoRide), dịch vụ giao hàng (GoSend) và dịch vụ đi mua sắm hộ (GoMart).
Startup Indonesia này từng được định giá trên 10 tỷ USD trước khi sáp nhập với sàn thương mại điện tử Tokopedia thành GoTo Group hồi tháng 5/2021. Đến hiện tại, ứng dụng này cung cấp với hơn 20 dịch vụ tiện ích, kết nối hơn 170 triệu người dùng với hơn 2 triệu đối tác tài xế và 500.000 đối tác nhà hàng và có mặt tại 5 thị trường trong khu vực Đông Nam Á.
(antt.nguoiduatin.vn)
Comentários