top of page

Liệu các "Startup khổng lồ mới nổi" có khả năng trở thành những "Kỳ lân" mới hay không?


Ngân hàng HSBC và Công ty KPMG đã công bố báo cáo “Những công ty khổng lồ mới nổi ở Châu Á – Thái Bình Dương”, xem xét các kỳ lân tiềm năng thuộc các nền kinh tế mới trong khu vực có thể tác động đến bối cảnh kinh doanh toàn cầu trong thập kỷ tới. Báo cáo đã tổng kết top 10 doanh nghiệp được xếp hạng “người khổng lồ mới nổi” tại 12 thị trường, gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Singapore, Hàn Quốc, HongKong, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan.


Theo đó, tại Việt Nam, 10 “gã khổng lồ mới nổi” gồm: Propzy, Sipher, Sendo, Jio Health, Clevai, CoolMate, EveHR, Lozi, VUI và HomeBase. Tổng giá trị của 10 doanh nghiệp là 300 triệu USD.



Doanh thu thuần của EveHR, Coolmate, Jio Health và Lozi tăng trưởng mạnh trong hai năm gần đây, riêng Coolmate có tỷ lệ tăng trưởng tốt nhất trong năm 2021 với 266%. Sendo và Prozy bứt phá doanh thu trong năm 2019, tuy nhiên sụt giảm rất nhiều trong những năm sau đó.



Các startup vẫn còn đang trong giai đoạn đầu tư thu hút khách hàng và liên tục ghi nhận lỗ, mức lỗ sau thuế cũng có xu hướng tăng lên theo thời gian. Sendo có mức lỗ sau thuế cao đáng kể trong năm 2019, tuy nhiên cũng giảm đi cùng với doanh thu trong những năm tiếp theo. Riêng Coolmate đã nhanh chóng thu lại lợi nhuận chỉ sau 1 năm hoạt động.


Sendo

Có thể nói Sendo là doanh nghiệp được các quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn mạnh mẽ hơn so với các doanh nghiệp còn lại, Sendo thành công huy động 51 triệu USD vào năm 2018 và 61 triệu USD vào năm 2019. Nhờ sự phát triển không ngừng của ngành Thương mại điện tử, số lượng người tiêu dùng cũng như vốn đầu tư trong ngành không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, Sendo cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tranh giành thị phần tại Việt Nam do phải đối đầu với những đối thủ quá lớn, đó là Shopee, Lazada và Tiki. Tại các thị trường thương mại điện tử phát triển, thông thường chỉ có 1-2 nhà bán hàng chiếm lĩnh thị trường, vì vậy con đường trở thành “người khổng lồ” của Sendo đang khá xa vời.


Sendo có doanh thu đạt đỉnh vào năm 2019, với khoảng 547 tỷ VND, tuy nhiên đã giảm khá nhiều trong những năm sau đó. Doanh thu của Sendo chỉ còn khoảng 393 tỷ VND vào năm 2020 và chỉ còn khoảng 181 tỷ VND vào năm 2021. Sendo liên tục lỗ và thậm chí lỗ khá cao do đầu tư mạnh vào quảng cáo, đặc biệt vào năm 2019, Sendo lỗ đến gần 1.586 tỷ VND.


EveHR

EveHR thuộc tập đoàn Fram^ Group – một công ty phát triển công nghệ thông tin cao cấp đã được niêm yết trên sàn NASDAQ. EveHR là startup công nghệ quản lý nhân sự xây dựng nền tảng phúc lợi và khen thưởng nhân viên theo mô hình B2B. Tuy mới chỉ thành lập từ năm 2019, EveHR đã ký kết với khá nhiều doanh nghiệp lớn, có thể kể đến như DHL express, Suntory Pepsico, WWF, Nestle...


EveHR có tình hình kinh doanh rất khả quan với doanh thu tăng trưởng mạnh qua từng năm và lỗ sau thuế cũng giảm đáng kể. Từ chỉ gần 300 triệu VND từ năm 2019, doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ và nhanh chóng đạt doanh thu hơn 7 tỷ VND vào năm 2021. Doanh nghiệp từng lỗ khoảng 3,5 tỷ VND vào năm đầu tiên nhưng giảm chỉ còn khoảng 2 tỷ VND vào 2021. Mức doanh thu và lợi nhuận của Eve tuy khá ít so với các doanh nghiệp khác trong danh sách, tuy nhiên EveHR là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan và tăng trưởng tốt so với các doanh nghiệp còn lại.


Propzy

Propzy là startup trong lĩnh vực Proptech được thành lập vào năm 2015, Propzy hoạt động tại Việt Nam với 2 công ty là công ty TNHH Propzy Việt Nam và công ty TNHH Dịch vụ Propzy. Tính đến năm 2020, công ty đã gọi vốn thành công đến 37 triệu đô. Kể từ khi ra mắt, tổng giá trị thực hiện giao dịch bất động sản của công ty đạt 1 tỷ USD (thông tin được đăng trên website). Tuy nhiên, từ tháng 9/2021, công ty đã sa thải 50% số nhân viên bán hàng do muốn tái cơ cấu mô hình kinh doanh. Đến ngày 25/05/2022, Propzy chính thức thông báo giải thể công ty TNHH Dịch vụ Propzy.


Propzy có doanh thu tăng mạnh từ khi thành lập, đạt đỉnh cao doanh thu với hơn 63 tỷ VND, nhưng giảm đột ngột vào năm 2020 và rơi xuống mức dưới 1 tỷ vào năm 2021. Tình hình kinh doanh của công ty cũng không quá thuận lợi khi lợi nhuận sau thuế của công ty giảm đều từ khoảng -24 tỷ VND vào năm 2017 đến khoảng -155 tỷ VND năm 2021. Ngoài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên thị trường bất động sản vào những năm 2020, 2021 thì xu hướng ưu tiên tư vấn giao dịch BĐS trực tiếp của người Việt cũng khiến công ty gặp khó khăn trong tối ưu hóa việc bán hàng bằng công nghệ.


Coolmate

Coolmate là thương hiệu thời trang dành cho nam giới được phát triển từ năm 2019. Thương hiệu nhắm đến việc sản xuất quần áo cơ bản cho nam giới với kiểu dáng đơn giản nhưng nhiều chất liệu vải khác nhau. Coolmate trực tiếp sản xuất, gia công sản phẩm hoàn toàn ở Việt Nam và có kênh phân phối chính là thông qua thương mại điện tử, nhờ đó đảm bảo được chất lượng sản phẩm và tối ưu giá bán hàng hóa. Coolmate cũng đã thành công huy động được 2 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Access Ventures. Sau 3 năm hoạt động, từ một công ty với chỉ hơn 2.000 đơn mỗi tháng, đến nay Coolmate đã xử lý lên đến hơn 10.000 đơn mỗi ngày, trong đó hơn 50% lượng đơn hàng đến từ khách hàng cũ.


Nhờ áp dụng chiến lược kinh doanh phù hợp, Coolmate có kết quả kinh doanh thành công với doanh thu tăng phi mã từ chỉ hơn 1,2 tỷ VND vào năm đầu tiên lên đến hơn 34 tỷ VND vào 2020 và gần 125 tỷ vào năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tuy không quá cao nhưng tăng trưởng rất mạnh mẽ, từ khoản lỗ khoảng 830 triệu vào năm 2019, Coolmate đã đạt lợi nhuận sau thuế 1 tỷ VND vào năm 2020 và 6 tỷ VND vào năm 2021. Tuy nhiên, thị trường thời trang là một thị trường lớn và phân mảnh, kèm theo việc không có lợi thế về sản xuất nên Coolmate sẽ gặp phải khá nhiều thách thức trong mở rộng quy mô.


Jio Health

Jio Health được thành lập với định hướng trở thành một ứng dụng liên quan đến dịch vụ khám chữa bệnh, tuy nhiên nhận thấy những bất lợi của mô hình này, doanh nghiệp quyết định thay đổi mục tiêu kinh doanh thành công ty chăm sóc sức khỏe sử dụng lợi thế công nghệ để cung cấp dịch vụ y tế. Ngày 9/3/2022, Jio Health công bố đã gọi vốn thành công vòng Series B với hơn 20 triệu USD từ các nhà đầu tư sáng giá, trong đó nhà đầu tư hàng đầu là Heritas Capital. Trong lĩnh vực y tế, dù công nghệ có thể trở thành xương sống nhưng linh hồn của hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc y tế vẫn là đội ngũ con người. Trong tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực y tế hiện nay thì khả năng mở rộng của Jio Health bị hạn chế khá nhiều.


Doanh thu của Jio Health tăng khá tốt và đều đặn kể từ những năm đầu tiên, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19 thì mô hình kinh doanh của Jio Health phát huy tối đa tiềm năng và nhanh chóng đạt được mức doanh thu cao. Doanh thu của Jio Health đạt 15 tỷ VND vào năm 2018, nhưng tăng mạnh lên đến 85 tỷ VND vào năm 2020 và gần 124 tỷ VND vào năm 2021. Tuy nhiên việc không ngừng đầu tư mở rộng kinh doanh khiến lỗ sau thuế của Jio Health cũng tăng đều. Sau màn gọi vốn Series A với số tiền 5 triệu USD vào năm 2019, Jio Health không ngừng đầu tư mở rộng thị trường, lỗ sau thuế của công ty cũng tăng mạnh từ sau đó. Jio Health lỗ khoảng 27 tỷ VND vào năm 2018 đã tăng lên đến hơn 70 tỷ VND vào năm 2019 và khoảng 84 tỷ VND vào năm 2021.


Lozi

Lozi là công ty startup có trụ sở tại Việt Nam, hiện đang vận hành hai ứng dụng Lozi và Loship. Năm 2019, Lozi huy động được một nguồn vốn không được công bố từ Smilegate Investment. Năm 2020, Lozi công bố gọi vốn thành công vòng bridge round do Vulpes Investment Management (Singapore) dẫn dắt. Hiện tại, mảng kinh doanh chính của Lozi là giao đồ ăn, đồ tươi sống, thuốc, hàng hoá, hoa tươi và giao hàng phục vụ kinh doanh B2B. Bên cạnh đó, Lozi cũng triển khai dịch vụ gọi xe và giặt là.


Sau khi được rót vốn, Lozi không ngừng đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ. Doanh thu của Lozi tăng đột biến trong năm 2020-2021. Từ khoảng 1 tỷ vào giai đoạn 2017-2019, Lozi thu lại được hơn 48 tỷ VND vào năm 2020, và hơn 143 tỷ VND vào năm 2021. Việc không ngừng chi tiền để mở rộng thị phần cũng khiến Lozi liên tục lỗ, lên đến hơn 300 tỷ VND trong năm 2021. Thị trường giao thức ăn và hàng hóa của Lozi có rất nhiều doanh nghiệp lớn hơn và có nguồn đầu tư mạnh hơn như Grab, Gojek, Shopee, Baemin,… Để giành được chỗ đứng trên thị trường, Lozi sẽ gặp phải rất nhiều rào cản lớn.


Các doanh nghiệp trong danh sách thuộc các ngành tiềm năng cao và có sức bật thị trường tốt trong khoảng 3-5 năm tới và có điểm chung là đều chuyển đổi số các ngành nghề truyền thống. Các doanh nghiệp trong danh sách tuy đã huy động vốn nhiều từ các nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức trong chặng đường phát triển để có thể trở thành những kỳ lân mới của Việt Nam.


Nguồn: Vietdata

bottom of page