top of page

Hasaki giữ vững vị trí dẫn đầu trong cuộc đua bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam

Tại Việt Nam, thị trường mỹ phẩm có giá trị khoảng 2.3 tỷ USD và dự kiến ​​sẽ tăng trưởng hàng năm 6.2% (CAGR 2021-2025). Tuy thị trường mỹ phẩm Việt Nam vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực, nhưng đã và đang phát triển nhanh chóng.


Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, việc tăng cường tập trung vào sức khỏe làn da đã thúc đẩy người tiêu dùng quan tâm hơn đến các loại mỹ phẩm với các lợi ích chăm sóc da. Mỹ phẩm liên tục nằm trong danh sách mua sắm trực tuyến hàng đầu trên cả nước.


Có thể thấy, mỹ phẩm là một thị trường đầy hấp dẫn nhưng cũng không kém phần cạnh tranh. Hà Nội và Hồ Chí Minh hiện là 2 trung tâm nơi thị trường mỹ phẩm diễn ra sôi nổi nhất. Theo khảo sát của Q&Me, năm 2022, TP.HCM có nhiều cửa hàng mỹ phẩm nhất với 59 cửa hàng. Ngoài ra có khoảng 29 cửa hàng ở các thành phố khác ngoài Hà Nội và TP. HCM. Tính đến thời điểm hiện tại cả nước có gần 100 cửa hàng, chưa kể các cửa hàng trực tuyến. Chúng ta có thể thấy nhu cầu về mỹ phẩm của người tiêu dùng chiếm một con số khá lớn. Gần như, việc sử dụng mỹ phẩm chăm sóc da và trang điểm hàng đã trở thành một thói quen hằng ngày của người tiêu dùng.


Một số kênh phân phối mỹ phẩm phổ biến hiện nay: Cửa hàng bán lẻ độc lập , Cửa hàng của chính thương hiệu, Nền tảng thương mại điện tử , Website bán hàng, Chuỗi cửa hàng chăm sóc sức khỏe và Sắc đẹp, Siêu thị/ Cửa hàng bách hóa. Trong đó, kênh phân phối tại chuỗi cửa hàng chăm sóc sức khỏe và Sắc đẹp và cửa hàng của chính thương hiệu vẫn đang dẫn đầu về mức độ tiếp cận với người tiêu dùng.


Dưới sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong những năm vừa qua, ngày càng có nhiều cửa hàng phân phối mỹ phẩm xuất hiện trên thị trường Việt Nam để mang đến cho khách hàng nhiều sự trải nghiệm về mỹ phẩm làm đẹp.


Trong bài viết này, Vietdata sẽ đề cập đến một số chuỗi cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm đang được người tiêu dùng quan tâm trong thời gian gần đây.


Hasaki - hệ thống cửa hàng mỹ phẩm có quy mô cửa hàng lớn nhất cả nước

Hasaki là hệ thống cửa hàng mỹ phẩm chính hãng và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp chuyên sâu với hệ thống 76 cửa hàng trải dài trên 27 tỉnh thành và hiện đang là đối tác phân phối chiến lược tại thị trường Việt Nam của hàng loạt thương hiệu lớn như: La Roche-Posay, Eucerin, L'oreal, Bioderma, Maybelline, Vichy, Cocoon, Cetaphil, Anessa,...


Hasaki sở hữu đa dạng các mặt hàng đa dạng từ cao cấp đến bình dân, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.


Hiện tại, Hasaki là hệ thống cửa hàng mỹ phẩm dẫn đầu về doanh thu trong ngành bán lẻ mỹ phẩm. Theo đó, năm 2021 doanh thu của hệ thống này đạt trên 900 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2020.


Với số lượng cửa hàng được phân bố rộng rãi cũng như sự đa dạng về mặt hàng đến từ các nhãn hàng lớn trên khắp thế giới đã giúp cho Hasaki đạt được tốc độ tăng trưởng dương về cả doanh thu và lợi nhuận trong những năm gần đây. Cụ thể, Hasaki mang về gần 5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 20% so với năm 2020.


Beauty Box

Beauty Box là thương hiệu thuộc công ty CP TMDV Tổng Hợp Hoàn Vũ. Chuỗi cửa hàng Beauty Box với sự đồng hành của những thương hiệu được độc quyền phân phối như CLUB CLIO, A’Pieu, Dear Dahlia, Banila Co, AHC, và hơn 70 thương hiệu nổi tiếng HOT TREND từ u sang Á, không thể không nhắc đến như Bobbi Brown, M.A.C, Estee Lauder, Clinique, Maybelline, L’Oreal, La Roche Posay, Vichy, Merzy, Black Rouge, Romand,…


Tính đến năm nay, Beauty Box là chuỗi cửa hàng đã phát triển đến 8 cửa hàng lớn trải dài qua 3 thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh.


Trong ngành bán lẻ mỹ phẩm, doanh thu của chuỗi Beauty Box cũng thuộc top đầu, nhưng khoảng cách so với “ông trùm” Hasaki là rất lớn. Cụ thể, doanh thu năm 2021 của Beauty Box chỉ khoảng 220 tỷ đồng, và có sự sụt giảm so với năm 2020.


Tình hình kinh doanh của chuỗi cửa hàng này trong những năm gần đây cũng khá kém sắc, khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng âm. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Beauty Box âm hơn 50 tỷ đồng, trong khi năm 2020, doanh nghiệp này chỉ lỗ khoảng 13 tỷ đồng.


Thế giới Skinfood

Thế Giới SkinFood là hệ thống bán lẻ mỹ phẩm chính hãng thuộc Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Blue Ocean. Tại Thế Giới SkinFood cung cấp hơn 10 nghìn mỹ phẩm chính hãng với hơn 350 thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng và chất lượng đến từ khắp nơi trên thế giới.


Trong những năm gần đây, tình hình kinh doanh của doanh thu của Thế Giới SkinFood khá khả quan khi mang về mức tăng trưởng dương trong doanh thu. Theo đó, năm 2019, doanh thu của doanh nghiệp này chỉ khoảng 0.1 tỷ đồng, sau 2 năm doanh thu của doanh nghiệp này đã hơn 165 tỷ đồng.

Nuty Cosmetics

Nuty Cosmetics là một trong những chuỗi cửa hàng mỹ phẩm lớn và đáng tin cậy tại Sài Gòn, nơi có thể thỏa mãn niềm đam mê trong cuộc chơi phấn son của hàng triệu tín đồ yêu shopping từ Nam ra Bắc. Được ưu ái với tên gọi “Thiên Đường Mỹ Phẩm Triệu Like”, Nuty luôn được xem là mái nhà chung của hàng nghìn mặt hàng mỹ phẩm thuộc rất nhiều thương hiệu lớn nhỏ, từ khắp các quốc gia trên thế giới.


Có mặt từ năm 2012, Nuty đã mở rộng thị phần, trở thành một trong những địa chỉ mua sắm mỹ phẩm uy tín trong lòng khách hàng. Từ cửa hàng đầu tiên được xây dựng tại TP.HCM, đến nay hệ thống mỹ phẩm chính hãng Nuty Cosmetics đã có 9 showroom thuộc vị trí trung tâm đắc địa tại TP.HCM, Hà Nội và Nghệ An.


Theo báo cáo có thể thấy doanh thu của chuỗi cửa hàng mỹ phẩm này tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây. Năm 2021, doanh thu của Nuty Cosmetics đạt gần 45 tỷ đồng tăng nhẹ 2% so với năm 2020, tăng 48% so với năm 2019.


Về lợi nhuận, năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp Nuty Cosmetics ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận sau thuế của chuỗi cửa hàng này đạt khoảng 280 triệu đồng, giảm gần 15% so với năm 2019. Đến năm 2021, lợi nhuận của chuỗi cửa hàng mỹ phẩm này chỉ còn gần 60 triệu đồng, giảm 80% so với năm 2020.


CocoLux

CocoLux là hệ thống mỹ phẩm chính hãng với đa dạng các loại mỹ phẩm đến từ các hãng nổi tiếng trên toàn thế giới. Để đánh dấu bước tiến quan trọng sau 8 năm hoạt động, thì đến năm 2020, Coco Shop chính thức đổi tên thành CocoLux.


Cũng giống như các store bán lẻ mỹ phẩm khác thì CocoLux hiện là đối tác của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng như Christian Lenart, Bioderma, Maybelline New York , Vichy, Laroche Posay, Senka…


Năm 2021, doanh thu của CocoLux tăng trưởng khá ấn tượng. Theo đó, doanh thu của chuỗi cửa hàng mỹ phẩm này đạt hơn 20 tỷ đồng, tăng gấp 3.6 lần so với năm 2020. Tuy lợi nhuận sau thuế ở mức âm nhưng so với năm 2020, tình kình kinh doanh của CocoLux có vẻ khả quan hơn.

Beauty Garden

Beauty Garden là thương hiệu phân phối bán lẻ mỹ phẩm chính hãng được thành lập từ 2014, sở hữu hệ thống cửa hàng trải rộng khắp 3 miền đất nước, có mặt tại các tỉnh và thành phố lớn trên cả nước.


Tại Beauty Garden, có hơn 10 nghìn sản phẩm luôn có sẵn, đến từ hơn 200 thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước, cùng hàng trăm mẫu thử để khách hàng trải nghiệm.


Tình hình kinh doanh của Beauty Garden bắt đầu có sự chững lại vào năm 2021 sau giai đoạn tăng trưởng liên tục trước đó. Cụ thể doanh thu của chuỗi cửa hàng này chỉ đạt khoảng 3 tỷ đồng vào năm 2021, giảm 33% so với năm 2020. Mặc dù vậy, Beauty Garden vẫn mang về hơn 20 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 50% so với năm 2020.


Mặt Hoa Da Phấn

Mặt Hoa Da Phấn là thương hiệu chuyên phân phối các sản phẩm chính hãng và cập nhật xu hướng mới nhất trên thế giới với chất lượng đảm bảo và giá cả cạnh tranh. Sau nhiều năm hoạt động, thương hiệu đã tạo dựng một chỗ đứng vững chắc tại thị trường mỹ phẩm TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Hiện tại, Mặt Hoa Da Phấn sở hữu 4 chi nhánh trực thuộc tọa lạc tại các quận trung tâm của TP. HCM và 1 chi nhánh nhượng quyền tại Bình Dương. Trong thời gian gần, Mặt Hoa Da Phấn sẽ mở rộng thương hiệu sang các tỉnh thành khác.


Theo số liệu từ báo cáo, doanh thu của chuỗi cửa hàng trong 2 năm gần như đi ngang ở mức 2.5 tỷ đồng. Năm 2021, cũng là năm thứ 5 liên tiếp mà doanh nghiệp này ghi nhận mức lợi nhuận âm.


Có thể thấy, với quy mô và tốc độ phát triển vượt bậc thì thị trường mỹ phẩm nói chung và ngành bán lẻ mỹ phẩm nói riêng đang rất có tiềm năng để phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ trong ngành và nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, việc chiếm lĩnh thị phần càng trở nên khó khăn hơn đối với các hệ thống bán lẻ mỹ phẩm.

Nguồn: Báo cáo ngành Bán lẻ 2022 của Vietdata


bottom of page