top of page

Sự tăng trưởng quy mô của chuỗi bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam

Sau khi trải qua đại dịch Covid-19, sức khỏe của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhu cầu về cải thiện hệ miễn dịch cũng như các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng được chú trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam đang là miếng mồi ngon mà các chuỗi nhà thuốc ra sức cạnh tranh thị phần.


Quy mô thị trường của hệ thống bán lẻ dược phẩm


Theo nghiên cứu về mức độ chi tiêu cho các sản phẩm y tế của người tiêu dùng cho thấy số lượng chi tiêu đang tăng lên cực kỳ nhanh chóng. Chỉ trong vòng 5 năm gần đây số chi tiêu cho các sản phẩm y tế đã tăng từ 16 tỉ USD lên hơn 20 tỉ USD. Dự kiến, năm 2025 con số này có thể đạt ngưỡng hơn 23 tỉ USD.


Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 60.000 nhà thuốc bán lẻ tại Việt Nam. Doanh thu của thị trường này đang đạt ngưỡng gần 10 tỉ USD và dự kiến trong năm 2026 tổng doanh thu thị trường này sẽ đạt 16 tỉ USD.


Với ảnh hưởng của làn sóng công nghệ số, chuỗi nhà thuốc hiện đại đang dần được triển khai và phát triển trên thị trường. Hiện nay, chuỗi nhà thuốc hiện đại mới chỉ chiếm lĩnh khoảng 15% thị trường. Tuy nhiên, theo nhận định trong tương lai con số này sẽ tăng lên đáng kể. Các chuỗi nhà thuốc hiện đại sẽ là mục tiêu mà các doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm hướng tới.


Cuộc cạnh tranh của các chuỗi bán lẻ sản phẩm

Trong giai đoạn thị trường dược phẩm đang là một thị trường có tiềm năng phát triển cao, cuộc cạnh tranh của các chuỗi bán lẻ dược phẩm ngày càng gay gắt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang có ý định lấn sân sang thị trường dược phẩm tạo không ít sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm .


Trong đó, 3 thương hiệu dẫn đầu chuỗi nhà thuốc là những cái tên quen thuộc như: Long Châu của FPT Retail, Pharmacity, hay An Khang của Thế Giới Di Động đang trong một giai đoạn cạnh tranh cực kỳ gay gắt. Bên cạnh đó, sự góp mặt của các tân binh ngành bán lẻ dược phẩm cũng khiến cho cuộc cạnh tranh này càng thêm khốc liệt hơn.


Tuy thị trường bán lẻ dược phẩm có nhiều tiềm năng phát triển song đây cũng chính là con dao hai lưỡi khi mà có quá nhiều doanh nghiệp lấn sân sang lĩnh vực này. Thị trường bán lẻ dược phẩm dần trở nên bão hòa, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến cho việc kinh doanh mảng dược phẩm trở nên cực kỳ khó nhằn.


Pharmacity

Pharmacity là một trong những chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm đầu tiên của Việt Nam. Đây là chuỗi bán lẻ dược phẩm nổi tiếng bậc nhất và dẫn đầu về số lượng cửa hàng.


Tuy nhiên, trong những năm gần đây do chịu áp lực từ những đối thủ cạnh tranh mà số lượng nhà thuốc của Pharmarcity đã giảm đáng kể. Từ giữa năm 2022 đến nay chuỗi cửa hàng bán lẻ của Pharmacity đã giảm gần 200 nhà thuốc, từ 1118 xuống còn 936 nhà thuốc. Bị Long Châu vượt mặt về số lượng của hàng.


Trong khi đối thủ đang nỗ lực mở rộng quy mô, thì Pharmacity quyết định tập trung vào tăng trưởng bền vững bằng cách thực hiện chiến lược "Đổi mới toàn diện". Cụ thể, tập trung vào 4 mục tiêu tăng trưởng: Cạnh tranh; Nhất quán; Trách nhiệm và Lợi nhuận.


Trong năm 2022 Pharmacity đã có những cải thiện và những giải pháp nhằm tối ưu hóa hàng tồn kho tại các của hàng và trung tâm phân phối. Pharmacity đã có những bước tiến vượt trội khi giảm đáng kể số ngày tồn kho so với năm 2021.


Theo đó, doanh thu thuần từ bán thuốc năm 2022 tăng 77% so với năm 2021, đặc biệt, tăng đột biến vào những tháng cuối năm. Tổng doanh thu của Pharmacity trong năm 2022 đạt gần 6000 tỉ. Sự tăng trưởng nhảy vọt này được Pharmacity ghi nhận ngay khi áp dụng chương trình "Medicine First", được xem là "phát súng" đầu tiên của chiến lược "Đổi mới toàn diện".


Tuy nhiên, do các chiến lược quảng bá, đổi mới cũng như việc đầu tư vào áp dụng các chương trình mới nên chi phí đầu tư của Pharmacity cũng từ đó tăng cao. Kéo theo đó, mức lợi nhuận sau thuế của chuỗi cửa hàng bán lẻ này âm tới hơn 1200 tỉ đồng.


Nhà thuốc Long Châu

Long Châu là chuỗi cửa hàng là thương hiệu trực thuộc Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT. Long Châu là hệ thống chuỗi của hàng bán lẻ và phân hối sản phẩm y tế duy nhất có mặt tại tất cả các tỉnh thành của Việt Nam.


Vượt mặt Pharmacity, Long Châu đạt số lượng của hàng bán lẻ là 1009 vào năm 2022 và có mặt ở cả 63 tỉnh thành của Việt Nam khiến cho hệ thống của nhà thuốc này phát triển ngày càng bền vững.


Năm 2022 là một năm phát triển vượt trội của nhà thuộc Long Châu. Chuỗi Long Châu ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu tăng 141%, đạt 9.596 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021. Theo ước tính, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng theo quý trong 3 quý cuối năm 2022 là 2,7 - 3,2 tỷ đồng.


Doanh thu từ chuỗi của hàng bán lẻ này đã chiếm 32% tổng doanh thu của công ty, tăng lên gần gấp đôi so với năm 2021 là 18%.Với sự phát triển ổn định tại thời điểm hiện tại, dự kiến trong 5 năm tới tổng số cửa hàng Long Châu có thể đạt ngưỡng 3000 cửa hàng.


Trên con đường cạnh tranh thị phần với các chuỗi bán lẻ dược phẩm còn lại, Long Châu đang cho thấy những bước đi vững trãi và phát triển mạnh mẽ của mình trở thành thương hiệu đứng đầu Việt Nam về chuỗi bán lẻ dược phẩm.


Nhà thuốc An Khang

Nhà thuốc An Khang tiền thân là nhà thuốc Phúc An Khang được thành lập năm 2002. Năm 2017 nhà thuốc An Khang chính thức là thành viên của Thế Giới Di Động. Nhà thuốc này chuyên cung cấp các loại dược phẩm, sản phẩm chức năng, các trang thiết bị y tế cùng nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác,…


Ban đầu, Thế Giới Di Động dự định nâng số cửa hàng An Khang lên 800 trong năm 2022 và xa hơn là 2.000 nhà thuốc, phủ xanh từ Nam ra Bắc và tham vọng hướng đến vị trí top đầu trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm. Tuy nhiên, tới cuối tháng 9/2022, trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, Thế Giới Di Động quyết định tạm dừng mở mới tất cả các chuỗi từ quý 4/2022, trong đó có An Khang.


Năm 2022, nhà thuốc An Khang có sự phát triển mạnh mẽ. Thế Giới Di Động đã tích cực mở rộng quy mô, số lượng nhà thuốc nhanh chóng tăng từ 187 nhà thuốc lên hơn 500 nhà thuốc. Kết thúc năm 2022, An Khang chính thức trở thành hệ thống nhà thuốc đứng đầu 13 tỉnh miền Tây.


Mặc dù quy mô được mở rộng khá nhiều nhưng doanh thu của chuỗi của hàng An Khang chưa được cao. Trong năm 2021 An Khang đã có lợi nhuận thu về hơn 8 tỷ đồng nhưng trong năm 2022 tổng doanh thu của chuỗi của hàng An Khang chỉ đạt mức 1500 tỉ đồng và đang phải chịu một khoản lỗ hơn 300 tỉ đồng.


ECO Pharma

Hệ thống nhà thuốc ECO thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm ECO là chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam đạt đủ 3 tiêu chuẩn: WHO-GSP, GDP và GPP. Được thành lập từ ngày 29/01/2008, Công ty cổ phần Dược phẩm ECO hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực: Nhập khẩu thuốc quý hiếm, đặc trị cho các bệnh viện và hệ thống nhà thuốc.


Với một thị trường đang trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt như hiện nay đã khiến cho vị thế của ECO Pharma đang dần bị lung lay. Doanh thu từ chuỗi nhà thuốc này chỉ đang đạt ngưỡng 1600 tỉ đồng.


Trong năm 2022, doanh thu của ECO Pharma đã bị giảm sút đáng kể và chỉ đạt hơn 1400 tỉ đồng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt cũng đã gây ảnh hưởng cực kỳ lớn đến cho chuỗi nhà thuốc này khi hai năm trước ECO Pharma đang có mức lợi nhuận sau thuế ổn định thì đến năm 2022 bất ngờ phải chịu một khoản lỗ lên tới hơn 28 tỷ đồng.


Medicare

Medicare là nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực Chăm sóc Sức Khoẻ & Sắc Đẹp với nhiều triển vọng kinh doanh tích cực được thành lập vào năm 2001 với cửa hàng đầu tiên tại quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh. Hiện nay Medicare có hơn 150 nhà thuốc tại Việt Nam và Myanmar.


Mặc dù Medicare có hệ thống của hàng ở cả trong và ngoài nước nhưng những năm gần đây tính hình kinh doanh của chuỗi nhà thuốc này cũng không quá khả quan. Năm 2022, doanh thu của Medicare có tăng nhẹ so với năm 2021. Nhưng ngược lại lợi nhuận sau thuế của chuỗi cửa hàng này lại âm gần 90 tỷ đồng giảm gần 10 tỷ đồng so với năm 2021. Khoản lỗ này đang có xu hướng tăng lên qua các năm.


Phano Pharmacy

Công ty cổ phần Dược phẩm Phano thành lập năm 2007 với hệ thống hơn 60 nhà thuốc có mặt tại các phòng khám, bệnh viện và phát triển theo mô hình nhà thuốc bên trong siêu thị và trung tâm thương mại.


Sau nhiều năm im lặng, Phano đã quyết định hợp tác với tập đoàn MaSan và trở thành một phần của chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi WinMart và Winmart+. Với việc hợp tác cùng tập đoàn MaSan tình hình kinh doanh của Phano khả quan hơn so với các chuỗi bán lẻ khác khi lợi nhuận luôn dương. Năm 2022, Phano đạt mức lợi nhuận 1,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2021.


Dpharma

Dpharma chính là sự kết hợp kinh nghiệm từ Dịch vụ mở rộng thị trường của Digiworld và sự am hiểu sâu sắc về y học của Đại Tín Pharma. Dpharma chuyên phân phối tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực y tế: thuốc, vaccine, nguyên liệu làm thuốc, máy móc y tế và trang thiết bị, thực phẩm chức năng, vật tư tiêu hao y tế.


Với một thị trường đầy tiềm năng, việc Digiworld rót vốn vào Đại Tín Pharma để có được Dpharma đã tạo nên một thế cạnh tranh cực kỳ tốt cho doanh nghiệp này. Sự tham gia của Digiworld vào ngành bán lẻ dược phẩm sẽ tạo nên những thách thức cho các “ Ông lớn” trong ngành và được kỳ vọng sẽ tạo nên một thế trận bền vững trên thị trường phân phối dược phẩm tại Việt Nam.


Có thể nói, trong thời gian qua, các “ông lớn” trong ngành bán lẻ dược phẩm trong nước đang bắt đầu có sự tăng tốc, chạy đua để chiếm lĩnh thị phần của lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng không thiếu sự cạnh tranh quyết liệt. Bên cạnh đó, không ít những tân binh đang lấn sân vào thị trường này tạo nên một thế cạnh tranh cực kỳ khốc liệt.


Cho nên, trong cuộc đua tranh giành thị phần hiện nay, việc tìm hướng đi mới là rất quan trọng với các chuỗi bán lẻ hiện đại. Phần thắng sẽ thuộc về những chuỗi bán lẻ biết thích ứng nhanh với xu hướng mới của người tiêu dùng, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của khách hàng.

Nguồn: Vietdata

bottom of page