top of page

Ngành chăn ga gối đệm Việt Nam 2023: Đối mặt với nhiều khó khăn

Ngày nay, chăn ga gối đệm là những món nội thất phòng ngủ không thể thiếu trong mỗi gia đình. 



Trong năm 2022, chỉ tính riêng các kênh thương mại điện tử, tổng doanh thu thị trường chăn ga gối đệm Việt Nam đã lên đến 50 triệu USD. Do có đặc tính thời vụ cao, nên doanh thu của mảng chăn ga gối nệm sẽ tập trung vào giai đoạn đầu tháng 9 đến cuối tháng 2 (mùa cưới, miền Trung và Bắc chuyển lạnh, Tết Nguyên Đán).


Sản phẩm chăn ga gối nệm được chia thành 3 phân khúc chính: 

  • Hàng cao cấp 

  • Hàng phổ thông

  • Hàng tiết kiệm


Biểu đồ phân khúc giá sản phẩm ngành chăn ga gối đệm 


May Sông Hồng 

Công ty Cổ phần May Sông Hồng tiền thân là Xí nghiệp May 1/7, được thành lập năm 1988.


Với 26 xưởng sản xuất được xây dựng và quản lý tập trung trong phạm vi tỉnh Nam Định cùng 12.033 lao động. Trong đó, duy nhất Sông Hồng 8 nằm tại lô E6 - E7 khu công nghiệp Mỹ Trung, phường Lộc Hạ là nơi sản xuất sản phẩm chăn ga gối đệm. Hiện nay công ty có 55 nhà phân phối và 192 đại lý phủ sóng khắp 49/63 tỉnh thành Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2016 ngoài cung cấp cho thị trường nội địa, sản phẩm chăn ga gối của công ty đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào 2 thị trường khó tính là Nhật Bản và Hàn Quốc. Sản phẩm chính công ty cung cấp thuộc phân khúc trung cấp và tiết kiệm.


Công ty có doanh thu thuần tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2020 ghi nhận khoảng 3.800 tỷ đồng, tăng gần 25% năm 2021 và 15% năm 2022. Lợi nhuận ròng có sự biến động. Tăng mạnh gần 100% năm 2021 và đạt khoảng 450 tỷ đồng, sau đó giảm gần 25%.


Everon

Công ty Cổ phần Everpia tiền thân là chi nhánh Công ty TNHH Viko Moolsan, là công ty Hàn Quốc có trụ sở tại Hà Nội và được thành lập năm 1993.


Tính đến cuối năm 2022, Everpia có 3 nhà máy, trong đó 2 nhà máy tại Hưng Yên và Đồng Nai sản xuất chăn ga gối đệm, công suất hoạt động trung bình lần lượt đạt 3 triệu và 1 triệu sản phẩm trên năm. Tổng số lao động là 1.206 người, đã bán ra gần 2 triệu sản phẩm chăn ga gối đệm. Thông qua các kênh phân phối chính như: B2C (425 đại lý), D2C, B2B và kênh thương mại điện tử (ngoài website chính thức, Everpia còn tạo riêng 1 trang thương mại điện tử K-Bedding để bán chăn ga gối). Hoạt động xuất khẩu chăn ga tăng 39% so với 2021 do tình hình dịch bệnh ổn định cũng như sự mở cửa trở lại nền kinh tế. Xuất khẩu chính sang các nước như: Hàn Quốc, UAE, Dubai. Công ty đa dạng về phân khúc sản phẩm.


Doanh thu thuần của thương hiệu dao động quanh 860 tỷ đồng năm 2020 - 2021, tăng gần 20% năm kế tiếp và đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng đều qua các năm khoảng 50% và đạt gần 100 tỷ trong năm 2022.


Biểu đồ doanh thu thuần của 1 số công ty sản xuất chăn ga gối đệm 2020 - 2022


Hanvico

Được thành lập vào năm 1999, Công ty TNHH Hàn Việt chuyển đổi hình thức thành công ty cổ phần vào tháng 7/2022.


Hiện công ty có 3 nhà máy sản xuất cùng với gần 1.000 lao động. Cung cấp cho hơn 1.000 khách sạn từ 3 đến 6 sao và hơn 800 đại lý trên toàn quốc. Là một doanh nghiệp công nghệ cao chuyên sản xuất mặt hàng chăn ga gối đệm cao cấp. 


Thương hiệu Hanvico ghi nhận doanh thu thuần giảm mạnh trong năm 2021 gần 70% và đạt khoảng 350 tỷ đồng, sau đó tăng hơn 20%. Lãi ròng biến động qua các năm. Cụ thể, năm 2021 giảm gần 60%, sau đó tăng hơn 30% và đạt khoảng 10 tỷ.


Kymdan

Thương hiệu Kymdan được thành lập năm 1954, thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Cao Su Sài Gòn - Kymdan.


Hiện Kymdan có 1 nhà máy sản xuất nằm tại khu công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi. Đã đăng ký bảo hộ tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kymdan cực kì kín tiếng với bên ngoài về dây chuyền công nghệ. Công ty này không cho phép nhân viên dùng điện thoại di động trong khu sản xuất, hạn chế di chuyển qua nhiều khu vực khác nhau, hạn chế tham quan nhà máy và không được tham quan dây chuyền công nghệ. Sản phẩm của Kymdan được định dạng nằm trong phân khúc cao cấp.


Doanh thu thuần tăng trưởng qua các năm. Cụ thể năm 2021 tăng gần 10%, 2022 tăng hơn 30% và đạt khoảng 950 tỷ đồng. Lãi sau thuế có sự biến động. Năm 2021 giảm gần 20%, sau đó tăng hơn 75% và lãi khoảng 170 tỷ.


Liên Á

Thành lập từ năm 1897, thương hiệu Liên Á hiện nay thuộc Công ty TNHH thương mại & sản xuất Nệm Mousse Liên Á.


Liên Á hiện có 3 nhà máy sản xuất. Tháng 10/2023, Liên Á chính thức xuất khẩu nệm vào đất nước “dầu mỏ” Qatar, đánh dấu cột mốc thị trường thứ 46 trên toàn cầu. Sản phẩm của thương hiệu thuộc phân khúc trung và cao cấp. Ngoài chăn ga gối đệm, thương hiệu còn kinh doanh trong lĩnh vực nội thất và khách sạn. 


Doanh thu thuần có sự biến động trong giai đoạn 2020 - 2022. Cụ thể năm 2020 đạt khoảng 550 tỷ đồng, giảm gần 30% năm 2021 và tăng hơn 10% trong năm kế tiếp. Lãi sau thuế có sự biến động mạnh. Giảm hơn 100% năm 2021, sau đó tăng mạnh gần 500% và đạt khoảng 23 tỷ.


Vạn Thành

Vạn Thành ra đời từ năm 1982, ban đầu công ty chỉ chuyên sản xuất các sản phẩm cao su như nệm, dây thun, giày dép. Từ khoảng những năm 90, Vạn Thành chỉ tập trung sản xuất nệm.


Thương hiệu đã có đến 43 chi nhánh, 1.500 cửa hàng và có mặt hơn 56 quốc gia. Có ba nhà máy, nhà máy chính với diện tích hơn 85.000 ha tại huyện Củ Chi, TPHCM và hai nhà máy còn lại tại Đà Nẵng và Hưng Yên. Các sản phẩm của nệm Vạn Thành đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia ở khu vực Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ. Vạn Thành đưa đến thị trường sản phẩm phân trung cấp và tiết kiệm.


Doanh thu thuần của nệm Vạn Thành tăng nhẹ trong năm 2021, sau đó tăng gần 30% và đạt khoảng 500 tỷ đồng. Lãi sau thuế có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định gần 45% và đạt khoảng 13 tỷ trong năm 2022.


Biểu đồ lợi nhuận sau thuế của 1 số công ty sản xuất chăn ga gối đệm 2020 - 2022


Dunlopillo

Thương hiệu Dunlopillo có nguồn gốc từ Vương quốc Anh, vào thị trường Việt Nam năm 1997 và thuộc sở hữu của Công ty TNHH Dunlopillo.


Nhà máy sản xuất được đặt ở Bình Dương, sản xuất và cung cấp sản phẩm Dunlopillo cho toàn bộ thị trường Đông Nam Á. Nguyên liệu để sản xuất được nhập khẩu 100%. Hãng không bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà phân phối thông qua các đại lý chăn ga gối nệm. Tập trung chính vào dòng sản phẩm trung và cao cấp. 


Doanh thu thuần tăng mạnh trong năm 2022 hơn 50%, 2 năm trước đó biến động không đáng kể và đạt khoảng 160 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế có sự biến động đáng kể. Cụ thể, năm 2021 giảm hơn 50%, sang 2022 tăng mạnh gần 1.500% và đạt khoảng 40 tỷ.


Vikosan

Năm 2007, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Vikosan được thành lập, chuyên cung ứng các sản phẩm chăn ga gối đệm.


Tính đến nay, thương hiệu Vikosan đã có 6 nhà máy sản xuất. Trong số đó, vừa có 1 nhà máy được khánh thành vào tháng 7/2023 tại tỉnh Hà Nam - đây được xem là nhà máy lớn bậc nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chăn ga gối đệm. Vikosan phát triển 3 dòng sản phẩm riêng biệt: cao cấp, phổ thông, tiết kiệm. Xây dựng đa dạng mô hình kinh doanh như B2G, B2B, B2C: khách sạn, bệnh viện, trường học, công ty - xí nghiệp và nhóm sản phẩm gia đình. 


Doanh thu thuần năm 2020 và 2022 của công ty dao động khoảng 120 tỷ đồng. Công ty có lãi ròng liên tục trong 2 năm. Năm 2020 lãi hơn 100 triệu đồng và 2022 lãi gần 250 triệu đồng.


Forever

Công ty Cổ phần Thương Mại Hoàng Hải được thành lập năm 1997, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chăn ga gối đệm với thương hiệu Forever và Eternity.


Hiện nay Hoàng Hải đã có hơn 500 cán bộ công nhân viên với hơn 80 showroom trên toàn quốc, hai nhà máy sản xuất đặt tại Hà Nội và Hưng Yên với tổng diện tích lên đến 33.000m2. Xuất khẩu các dòng sản phẩm mang thương hiệu Forever sang thị trường các nước như Úc, Mỹ, New Zealand, Canada, Pháp. Công ty sản xuất dòng sản phẩm phân khúc tiết kiệm và trung cấp.


Doanh thu thuần của công ty được ghi nhận tăng hơn 10% trong giai đoạn 2021 - 2022 và đạt khoảng 120 tỷ đồng. Công ty lỗ liên tục trong 2 năm liền. Cụ thể năm 2021 lỗ khoảng 8 tỷ đồng, năm sau đó giảm hơn 10%.


Edena

Edena thuộc Công ty Cổ phần Vạn Thiên Sa, được thành lập năm 2006. Hiện nay có hơn 180 đại lý, showroom trên toàn quốc. Phân khúc giá tầm trung và tiết kiệm.


Công ty có doanh thu thuần biến động. Cụ thể, năm 2020 đạt khoảng 50 tỷ đồng, giảm hơn 30% năm 2021 và sau đó tăng gần 35%. Lãi ròng tăng mạnh trong năm 2021 hơn 110% và đạt khoảng 1 tỷ, năm 2022 biến động không đáng kể.


Năm 2022 là năm đáng chú ý khi bức tranh kinh tế phục hồi và tăng trưởng lan tỏa mạnh mẽ trên toàn thế giới. Trên con đường tiến tới bình thường hóa sau đại dịch, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng về sức mua và hoạt động ổn định trở lại của chuỗi cung ứng. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất chăn ga gối đệm đều có lãi ròng cao hơn 2021. Mặc dù vậy, năm 2023 lại đầy thách thức khi phải đối mặt với nhiều trở ngại như: Tình trạng lạm phát tăng cao sẽ kìm hãm khả năng chi tiêu tại các thị trường xuất khẩu chăn ga gối đệm; Nhiều quốc gia có xu hướng điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ theo hướng thắt chặt để kiềm chế lạm phát có thể có những tác động mạnh mẽ tới khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; Chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây cũng sẽ tạo gánh nặng lên các doanh nghiệp trong ngành.


Nguồn: Báo cáo ngành chăn ga gối đệm Việt Nam của Vietdata năm 2022.


bottom of page