top of page

Hậu Covid-19: Sản xuất dược phẩm Việt lội ngược dòng trước làn sóng M&A

Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và thị trường dược phẩm cũng không ngoại lệ. Với dân số tăng nhanh và nhu cầu cao về chất lượng chăm sóc sức khỏe, ngành sản xuất dược phẩm tại Việt Nam đã và đang thu hút đầu tư đáng kể từ các công ty trong và ngoài nước. Sự tăng trưởng này do một số yếu tố, bao gồm tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của đất nước, nhu cầu của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện các quy định và cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực này, nhất là sau đại dịch Covid - 19. Theo Vietnam Report, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt giá trị 16,2 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 6,0% GDP. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021, dự kiến đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ CAGR (2020-2030) là 7,6%.


Riêng về mảng sản xuất dược phẩm Việt Nam, nét chấm phá nổi bật nhất trong những năm qua là việc các công ty dược nước ngoài lần lượt thâu tóm các nhà sản xuất dược phẩm nội địa. Thị trường dược Việt Nam đang là một trong những miếng bánh đầu tư giàu tiềm năng và hấp dẫn nhất so với khu vực. Bên cạnh sự tăng trưởng nhanh chóng, năng lực sản xuất của Việt Nam chỉ có thể đáp ứng 53% nhu cầu dược phẩm trong nước. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, Việt Nam đã chi gần 4 tỷ USD để nhập khẩu dược phẩm.



Có thể thấy, các “ông lớn” ngoại địa bị thu hút vào thị trường Việt Nam do nhìn thấy tiềm năng phát triển, mở rộng trong nước và đang tìm cách thâm nhập thị trường thông qua thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) các công ty trong nước. Điều này cho phép họ nhanh chóng thiết lập sự hiện diện trên thị trường, tiếp cận với các mạng lưới phân phối địa phương và khai thác chuyên môn của các công ty địa phương.


Mặt khác, các công ty nội địa như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Pymepharco… cũng có thể tiếp cận công nghệ, chuyên môn và vốn mới; góp phần giúp các công ty cải thiện khả năng cạnh tranh, mở rộng dịch vụ sản phẩm và thâm nhập vào các thị trường mới.


Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lao đao vì sức ép lãi suất cũng như khó khăn về vốn, các công ty dược phẩm báo lãi kỷ lục năm 2022 vừa qua nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn hậu dịch Covid-19. Một trong những nguyên nhân khiến các công ty đồng loạt báo lãi tăng trưởng mạnh là năm 2022 nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao, đặc biệt các sản phẩm kháng sinh và các sản phẩm phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch sau dịch COVID-19.


Tuy nhiên, bên cạnh những tên tuổi lớn “phất lên” trong thời kỳ giãn cách xã hội, cũng có nhiều doanh nghiệp sản xuất dược quy mô vừa và nhỏ bị chính tác động của đại dịch làm kết quả kinh doanh sụt giảm, ghi nhận lợi nhuận đi ngang. Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid - 19 ập đến khiến các doanh nghiệp dược phải đối mặt với việc chi phí giá vốn tăng cao trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào leo thang cùng với đứt gãy nguồn cung trên thị trường. Bên cạnh đó, kênh bán thuốc qua bệnh viện (ETC) từng là động lực chính cho sự phát triển của toàn ngành cũng trở nên "hụt hơi" trong thời buổi dịch bệnh.


Sanofi Việt Nam


Sanofi là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới của Cộng hòa Pháp trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ, công nghệ chăm sóc sức khỏe. Đây là một trong những công ty dược phẩm nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam với lịch sử hơn 60 năm. Cuối năm 2019, Sanofi là tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện kinh doanh dược cho phạm vi nhập khẩu thuốc.


Sanofi Việt Nam có ba mảng sản xuất kinh doanh chính: thuốc kê toa, vaccine và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (CHC). Tại Việt Nam, Sanofi sản xuất cả thuốc generic (thuốc tương tự biệt dược gốc mà các công ty dược khác được phép sản xuất sau khi loại thuốc đó hết thời hạn bảo hộ phát minh) lẫn thuốc patent (thuốc bản quyền sáng chế). Ngoài ra Sanofi còn đang nhận gia công dược phẩm, kể cả thuốc patent lẫn generic cho một số hãng dược không có nhà máy ở Việt Nam.


Hiện nay, Sanofi có 3 Nhà máy ở Việt Nam là Nhà máy Sanofi-Synthelabo, Nhà máy Sanofi-Aventis Nhà máy ACE Sanofi. Nhà máy ACE Sanofi có tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, cũng là dự án có vốn đầu tư lớn nhất của Sanofi tại Việt Nam.


Doanh thu thuần của Sanofi Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn từ năm 2019 trở đi, cụ thể doanh thu năm 2020 và 2021 của Sanofi đạt hơn 6.700 tỷ đồng và gần 7.000 tỷ đồng, gần gấp đôi doanh thu đạt được năm 2019. Năm 2021, trong khi doanh thu Sanofi-Synthelabo sụt giảm gấp 3 lần so với năm trước thì Sanofi-Aventis và ACE Sanofi liên tục tăng trưởng phá vỡ kỷ lục, góp phần đưa doanh thu Sanofi Việt Nam chạm mốc gần 7.000 tỷ đồng.


Sanofi Việt Nam ghi nhận lũy kế lợi nhuận sau thuế năm 2020 và 2021 lần lượt hơn 640 tỷ đồng và hơn 900 tỷ đồng, tăng hơn 60% và hơn 130% so với 2019. Trước đó, ACE Sanofi mất 3 năm ghi nhận lỗ trước khi nhà máy bắt đầu hoạt động và bứt tốc trên đường đua vào cuối năm 2018.


Sanofi Việt Nam đang thay thế cơ sở của Sanofi Indonesia làm trung tâm nghiên cứu sản xuất chính trong chuỗi cung ứng dược phẩm khu vực lẫn toàn cầu của tập đoàn này. Sanofi đang phát triển theo hướng xanh hóa, giảm phát thải, điều này phù hợp với xu thế chung trên thế giới và những mục tiêu, định hướng chiến lược mà Việt Nam hướng tới trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.


Bayer Việt Nam


Bayer là một Công ty Dược phẩm và Khoa học đời sống đa quốc gia của Đức. Bayer tập trung sản xuất và phân phối sản phẩm thuốc kê toa, đặc biệt là lĩnh vực tim mạch và chăm sóc sức khỏe phụ nữ, thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh và thuốc đặc trị trong ưng thư, huyết học và nhãn khoa.


Công ty TNHH Bayer Việt Nam thuộc Tập đoàn Bayer đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực dược phẩm, chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng, khoa học cây trồng và thuốc thú y. Tại thị trường trong nước, Bayer Việt Nam để lại ấn tượng nhiều nhất đối với lĩnh vực tim mạch, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, … cùng với các sản phẩm nổi tiếng như Elevit, Becozyme...


Bên cạnh đó, công ty cũng từng đầu tư nhà máy Thú y và Thủy sản ở Bình Dương, tuy nhiên từ năm 2020 đã tách khỏi nhánh này hoàn toàn. Cuối năm 2020, Bayer hoàn tất thương vụ bán lại nhánh Thú y - Thủy sản cho Elanco, theo đó, việc thoái vốn mảng Thú y – Thủy sản là giao dịch lớn nhất trong một loạt các hoạt động tái cơ cấu bộ danh mục đầu tư của Bayer, khởi động vào tháng 11 năm 2018.


Trong giai đoạn 2019 – 2021, doanh thu Bayer Việt Nam vẫn đạt được con số ấn tượng. Cụ thể, năm 2019, Bayer mang lại doanh thu hơn 4.500 tỷ đồng, con số này tăng lên đạt hơn 4.600 tỷ đồng vào cuối năm 2021 và tiếp tục phát triển vào năm 2022. Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch cùng với việc tái cơ cấu danh mục đầu tư, doanh thu công ty sụt giảm chỉ còn gần 3.300 tỷ đồng.


Có thể thấy, cơ cấu doanh thu của Bayer Việt Nam vẫn đóng góp chủ yếu từ mảng Khoa học cây trồng với sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống làm chủ đạo. Sau đại dịch, phần đóng góp của mảng dược trở nên quan trọng do nhu cầu về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe của người dân hồi phục. Năm 2021, công ty cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 300 tỷ đồng. Trước đó, năm 2020, lợi nhuận sau thuế công ty tăng hơn 3000 tỷ đồng so với năm 2019 do thương vụ bán lại nhánh Thú y – Thủy sản đã hoàn tất.


Trong tương lai, Bayer Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu thuốc cho bệnh mạn tính; tăng cường nguồn lực cho tuyến đầu thực hiện các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức, phát hiện và điều trị sớm các tình trạng bệnh; tận dụng sức mạnh của kỹ thuật số để thúc đẩy việc tiếp cận các giải pháp y tế hiệu quả và thuận tiện hơn cho bệnh nhân và bác sĩ.


Công ty CP Dược Hậu Giang


Tháng 9/2004 Công ty cổ phần Dược Hậu Giang chính thức thành lập với vốn điều lệ ban đầu 80 tỷ đồng. Là một trong những doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán từ sớm, Dược Hậu Giang đã tạo ra được những thành tích và kết quả kinh doanh ấn tượng.


Trong suốt quá trình hoạt động, Dược Hậu Giang luôn đặt mục tiêu là duy trì sản phẩm chủ lực làm nòng cốt, cùng với đó là phát triển các sản phẩm thuốc mới. Thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và hạ sốt vẫn là những sản phẩm cốt lõi đóng góp tỷ trọng lớn nhất về doanh thu cho công ty, chiếm trên 50% tổng doanh thu.


Từ năm 2016 đến nay, doanh thu và lợi nhuận của Dược Hậu Giang tăng trưởng ổn định. Tiên phong trong việc nới room ngoại, DHG Pharma (DHG) đã được chấp thuận mở rộng tỷ lệ sở hữu ở nước ngoài lên 100%, chính thức trở thành công ty con của Taisho Pharmaceutical vào năm 2019 sau khi cổ đông Nhật Bản nắm giữ hơn 51% cổ phần. Doanh thu công ty trong giai đoạn 2019 – 2022 nhìn chung tăng nhanh, bất chấp sự “hụt hơi” nhẹ vào năm 2020 với con số 3.755 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2019. Theo đó, năm 2021 và năm 2022, doanh thu công ty lần lượt là 4.003 tỷ đồng và 4.676 tỷ đồng, tăng trưởng vượt mức năm 2019 – năm đại dịch Covid bắt đầu diễn ra.


Lý giải cho nguyên nhân tăng trưởng doanh thu, không chỉ do tác động của dịch Covid làm nhu cầu dược phẩm của người dân tăng lên, mà còn do doanh nghiệp trong giai đoạn này kiểm soát tốt chi phí, công nợ và dòng tiền, tăng năng suất lao động và hiệu qủa đầu tư.


Dược Hậu Giang liên tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế vượt kỷ lục và tăng nhanh qua từng năm. Năm 2020 và 2021, doanh nghiệp báo lãi lần lượt là 738 tỷ đồng và 776 tỷ đồng, đều tăng trưởng hai con số so với năm 2019, tương ứng tăng 17% và 23%. Không dừng lại ở đó, năm 2022 tiếp tục là một năm thành công của Dược Hậu Giang khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế chạm mốc 4.676 tỷ đồng và 988 tỷ đồng.


Công ty cũng cho biết, doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng là do công ty tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc biệt là sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm liên quan điều trị Covid như Hapacol, Klamentil, Medlon, Bocalex… . Mặt khác, công ty tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và kết nối với khách hàng tốt, đồng thời, quản lý tốt các khoản thu và hàng tồn kho giúp cải thiện dòng tiền và tăng hiệu quả cho công ty.


Công ty CP Traphaco


Công ty CP Traphaco tiền thân là Tổ sản xuất thuốc thuộc Ty Y tế Đường sắt được thành lập ngày 28/11/1972. Sau nửa thế kỷ, Traphaco đã vươn mình ngoạn mục trở thành một trong những doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, đặc biệt là các sản phẩm Đông dược tại Việt Nam. Tính cho đến nửa cuối năm 2022, cổ đông nước ngoài nắm giữ khoảng 45% cổ phần công ty này, trong đó hai tổ chức nắm giữ lớn nhất là Magbi Fund Limited (25%) và Super Delta Pte Ltd (15,12%).


Doanh thu của Traphaco trong giai đoạn 2019 – 2022 tăng trưởng đều qua các năm, theo biểu đồ, Traphaco là doanh nghiệp có mức tăng trưởng 2 con số "đều" nhất trong 10 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm giai đoạn này. Cụ thể, năm 2020 và năm 2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 1.909 tỷ đồng và 2.161 tỷ đồng, tương ứng tốc độ tăng trưởng lần lượt là gần 12% và 13% so với năm trước. Từ năm 2021, chiến lược sóng đôi Đông dược - Tân dược mà Traphaco bắt tay vào thực thi mạnh mẽ đã đem đến những kết quả tươi sáng hơn. Năm 2022, tiếp nối đà tăng trưởng từ các năm trước, doanh thu Traphaco đạt hơn 2.300 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với 2021, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 400 tỷ đồng.


Chiến lược “Duy trì vị thế số 1 mảng Đông dược, tập trung đẩy mạnh mảng ngoài Đông dược” mà Traphaco thực thi là giữ vững vị thế Đông dược nhờ các sản phẩm chủ lực như Hoạt huyết dưỡng não, Boganic; bên cạnh đó mảng ngoài đông dược, công ty kết hợp chuyển giao công nghệ từ đối tác Deawoong (Hàn Quốc) và khắc phục các hạn chế do ảnh hưởng không thuận lợi từ đại dịch Covid-19. Hiện, công ty đã tiếp nhận chuyển giao 12 sản phẩm mới và tăng cường hợp tác toàn diện với Deawoong.


Lợi nhuận sau thuế của Traphaco cho thấy những chiến lược mà công ty áp dụng đã mang lại hiệu quả. Cụ thể, công ty ghi nhận lãi 217 tỷ đồng và 264 tỷ đồng vào năm 2020 và 2021, với tốc độ tăng trưởng là 28% và 22% so với năm trước. Lợi nhuận tăng đều một phần nhờ công ty chủ động trong nguồn hàng, ổn định giá bán, đổi mới hệ thống bán hàng trực tiếp qua các nhà thuốc (OTC), song song với đó, công ty cũng phát triển thị trường, cải tiến hệ thống phần mềm quản lý bán hàng và tối ưu hệ thống vận chuyển nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu hàng hóa trong dịch bệnh.


Traphaco thể hiện rõ tham vọng bảo vệ năng lực tăng trưởng bằng việc thực thi các chiến lược hiệu quả. Các sản phẩm TRA tiếp nhận từ Daewoong trong giai đoạn 1 chuyển giao công nghệ từ 2021 đã triển khai ra thị trường và có những tín hiệu khả quan, tích cực. Tới đây, các sản phẩm Tân dược chất lượng cao tiếp nhận từ Daewoong và phân phối ra thị trường trong năm 2023 – 2024 là những nhóm sản phẩm trọng yếu đáp ứng nhu cầu ngày một tăng như Tim mạch, Huyết áp, Mỡ máu, Tiểu đường …


Công ty CP Dược phẩm Imexpharm


Công ty Imexpharm được phát triển từ tiền thân là Xí nghiệp Liên Hiệp Dược Đồng Tháp vào năm 1983. Ngày 25/7/2001, Công ty chính thức chuyển đổi hình thức kinh doanh từ doanh nghiệp nhà nước sang Công ty cổ phần và lấy tên là CTCP Dược phẩm Imexpharm theo quyết định của Chính phủ.


Cùng sự xuất hiện của những ông lớn ngoại địa chiếm lĩnh phần lớn thị trường sản xuất dược phẩm, Việt Nam có đến 8/10 doanh nghiệp đạt chuẩn EU-GMP (thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu) là doanh nghiệp FDI. Hiếm hoi trong đó là Imexpharm - doanh nghiệp niêm yết nội địa, theo website GMPC Việt Nam công bố ngày 13/9/2022. Tính đến cuối tháng 12/2022, cơ cấu cổ đông của Imexpharm bao gồm SK Investment Vina III Pte.Ltd (47,67%), Tổng công ty Dược Việt Nam (22,03%), CTCP Đầu tư Bình Minh Kim tỷ lệ 9,74%, CTCP Đầu tư KBA là 7,37% còn lại là các cổ đông khác.


Doanh thu thuần của Imexpharm trong giai đoạn 2019 – 2021 không được khả quan khi mà kết quả ghi nhận được trên báo cáo tài chính giảm dần theo từng năm. Năm 2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp này là 1.402 tỷ đồng, chỉ còn 1.369 tỷ đồng và 1.266 tỷ đồng vào năm 2020 và 2021, tương ứng “bốc hơi” 2,3% và 9,7% so với năm 2019. Theo IMP, kết quả doanh thu giảm dần do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ trong khi chi phí tăng và đứt gãy nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu.


Imexpharm trước đại dịch là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa trên kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện) nên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn này cũng gặp nhiều biến động. Báo cáo lợi nhuận sau thuế cũng cho thấy những “nốt thăng trầm” công ty phải đối mặt khi lợi nhuận tăng lên 209 tỷ đồng vào năm 2020, sụt giảm vào năm 2021 rồi lại tăng lên mức 234 tỷ đồng vào năm 2022.


Chỉ đến năm 2022, khi mà quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, Imexpharm mới phục hồi và ghi nhận tăng trưởng trở lại. Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của Imexpharm đạt 1.643 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 234 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và tăng 24% so với năm 2021 và thiết lập kết quả kỷ lục. Kết quả này có được là do nhu cầu người dân phục hồi sau dịch, cộng với các hoạt động mở rộng thị trường đã giúp công ty báo lãi tăng trưởng sau thuế.


Công ty CP Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar)


Bidiphar được hình thành năm 1980, tiền thân là Xí nghiệp dược phẩm II Nghĩa Bình trực thuộc quản lý của Ty y tế Nghĩa Bình. Công ty Bidiphar chuyên sản xuất, kinh doanh thuốc, sản phẩm dược liệu và trang thiết bị, hóa chất y tế. Hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Bidiphar được biết đến với nhiều kế hoạch tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới trong quá trình quản lý, sản xuất và kinh doanh.


Công ty sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng với nhiều dòng sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng giai đoạn dịch Covid và hậu Covid như: Kháng sinh (Augidil, Bicebid,Tazopelin), Giảm đau hạ sốt (Biragan), Vitamin (Kingdomin), Dịch bù nước (Oresol),.. Bên cạnh đó các dòng sản phẩm vốn là thế mạnh của Bidiphar như thuốc điều trị ung thư Bocartin, thuốc giãn cơ Waisan, hỗn dịch uống chống trào ngược dạ dày Phospha Gaspain… vẫn duy trì phong độ.


Trong giai đoạn 2019 – 2022, nhìn chung bức tranh sản xuất kinh doanh của Bidiphar có nhiều điểm sáng. Độ phủ điểm bán hàng kênh OTC của Bidiphar năm 2021 tăng gấp 2 lần so với năm 2020, lên 15.000 nhà thuốc. Qua đó, công ty đã vượt kế hoạch doanh thu (500 tỷ đồng) trên kênh OTC, đạt 570 tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2020, góp phần làm doanh thu chung của công ty vững vàng ở mức trên 1.500 tỷ đồng trong cả hai năm 2021 và 2022, tăng hơn 23% so với năm 2019. Trong năm 2021, để đối phó với dịch Covid, Bidiphar không chỉ đầu tư vào sản phẩm mà còn chú trọng những dịch vụ cung cấp kèm theo. Năm 2021 cũng là năm mà ban lãnh đạo công ty thực hiện bước đột phá ở kênh OTC bằng cách mở rộng điểm phủ, tăng sự hiện diện của sản phẩm ở các điểm bán lẻ, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp theo đúng chuẩn quốc tế.


Năm 2020, doanh nghiệp có sự sụt giảm nhẹ về doanh thu, cụ thể là “hụt” 5 tỷ đồng so với 2019. Lý giải cho sự “hụt hơi” này, tổng quan bối cảnh năm 2020, công ty vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, thách thức về dịch bệnh, chính sách thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt… Ngoài ra, việc chậm 1 năm đưa dự án Nhà máy thuốc điều trị ung thư vào hoạt động so với kế hoạch dẫn tới áp lực tài chính về khoản vay đầu tư. Do hạn chế di chuyển của các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam, việc lắp đặt và thẩm định hệ thống vận hành bị kéo dài đến quý I/2021, trước đó dự kiến tháng 3/2020. Việc chậm trễ một năm làm Nhà máy chưa thể vận hành sản xuất và ghi nhận doanh thu cũng góp phần làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tăng trưởng của công ty.


Lợi nhuận sau thuế của Bidiphar cũng đang trên đà tăng trưởng đều đặn qua các năm. Theo đó, công ty báo lãi 189 tỷ đồng và 244 tỷ đồng vào năm 2021 và 2022, lần lượt ghi nhận tăng trưởng hai con số so với năm 2019, cụ thể là tăng 33% và 72%.


Tầm nhìn năm 2026, Bidiphar đặt ra các mục tiêu xây dựng điểm phủ kênh OTC là 30.000 nhà thuốc, đồng thời, xây dựng hệ thống tổng kho hiện đại cho 3 khu vực Bắc - Trung – Nam. Như vậy, ở kênh OTC, Bidiphar mở rộng độ phủ ở các nhà bán lẻ thay vì tập trung chỉ ở các nhà thuốc lớn; trên kênh ETC, công ty đặt mục tiêu nâng cấp 4 nhà máy sản xuất đạt chuẩn GMP EU (thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu).


Công ty CP Pymepharco


Công ty có tiền thân là Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên, được thành lập vào ngày 23/7/1989. Trải qua 30 năm, từ một công ty dược địa phương chuyên phân phối vật tư, trang thiết bị y tế nhỏ lẻ, Pymepharco hiện là một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn của Việt Nam. Pymepharco có các hệ thống nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU-GMP, hơn 19 chi nhánh rộng khắp cả nước, các văn phòng đại diện, cửa hàng chuyên doanh.


Cuối năm 2021, Pymepharco với mã cổ phiếu PME thông báo hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. Trước khi hủy niêm yết, PME được coi là mã chứng khoán được phẩm có giá trị lớn thứ 2 thị trường, chỉ sau thị giá của Dược phẩm Hậu giang (DHG). Thị giá vốn của PME vào khoảng hơn 6.158 tỷ đồng. Động thái này diễn ra sau khi công ty “bán mình” cho tập đoàn STADA Service Holding B.V (Đức) với tỷ lệ sở hữu hơn 99% vốn, theo đó, Pymepharco không còn đáp ứng đủ điều kiện của công ty đại chúng khi đối tác Đức kiểm soát 99,5% cổ phần tại Pymepharco.


Doanh thu thuần năm 2019 của Pymepharco đạt 1.847 tỷ đồng, doanh thu công ty tiếp tục tăng gần 5% vào năm 2020, chạm mức 1.934 tỷ đồng.


Cũng trong năm 2019, Pymepharco mang lại lợi nhuận sau thuế là 321 tỷ đồng, cao thứ hai thị trường và sụt giảm nhẹ vào năm 2020, cụ thể là sụt nhẹ 1.2% với mức lãi 317 tỷ đồng.


Vào tháng 8/2022, Pymepharco vướng “lùm xùm” về danh tiếng khi vi phạm hành chính, không thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được phê duyệt trước khi lưu hành thuốc đối với thay đổi lớn cần được phê duyệt với thuốc Ciprofloxacin STADA 500 mg (số đăng ký VD-34964-21). Mức phạt công ty phải nộp là 100 triệu đồng.


Công ty CP xuất nhập khẩu y tế Domesco


CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco được thành lập ngày 19/5/1989, công ty chuyên nghiên cứu phát triển, sản xuất, tiếp thị và kinh doanh Dược phẩm, thuốc có nguồn gốc từ Dược liệu, Thực phẩm chức năng, nước uống tinh khiết và thức uống từ dược liệu… Công ty Domesco hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm – thực phẩm chức năng, vật tư y tế, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám và chữa bệnh cho toàn dân.


Năm 2011, CFR International SPA, tập đoàn dược từ Chile đã mua cổ phần từ rất sớm và sở hữu gần 45% cổ phần Domesco. Sau khi Abbott Laboratories thâu tóm CFR, tập đoàn cung cấp các dịch vụ y tế và các thiết bị chăm sóc sức khỏe đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ này tiếp tục nâng tỉ lệ sở hữu tại Domesco, hiện kiểm soát trên 51% cổ phần, biến công ty Việt Nam trở thành thành viên trực thuộc.


Cũng như một số doanh nghiệp sản xuất dược khác, bức tranh doanh thu của Domesco trong giai đoạn 2019 - 2022 nhìn chung có nhiều điểm sáng. Năm 2022, doanh thu công ty ghi nhận đạt kỷ lục 1.593 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019. Trước đó, năm 2020, ảnh hưởng chung toàn ngành dưới đại dịch, Domesco cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan với doanh thu thuần 1.452 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019.


Từ năm 2019 trở đi, kết quả lợi nhuận sau thuế của Domesco lại không được khả quan, công ty liên tục “bốc hơi” một phần lợi nhuận. Tình hình kinh doanh sụt giảm kéo dài và chỉ khởi sắc lên vào năm 2022, tuy nhiên với mức lãi 200 tỷ đồng, công ty mới phục hồi bằng 86% so với năm 2019. Lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm, công ty cho biết, giá vốn tăng cao là do ảnh hưởng của Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nên giá nguyên phụ liệu và bao bì đều tăng so với cùng kỳ. Trong kỳ, công ty duy trì cung ứng thuốc theo giá đã trúng thầu trong năm 2020 cho các bệnh viện, nên khi giá vốn tăng cao đã làm ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận.


Về kế hoạch phát triển trong những năm tới, ngày 6/1/2023, Domesco cùng liên danh Công ty BV Pharma và Công ty cổ phần Pomax đã tiến hành lễ ký kết hợp tác chiến lược trong sản xuất và phân phối các sản phẩm dược liệu. Lần hợp tác này được các bên đặt mục tiêu mang đến những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng vẫn đảm bảo giá cả phù hợp; đồng thời, giúp người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.


Công ty CP Dược phẩm OPC


CTCP Dược Phẩm OPC tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm TW 26, thành lập vào ngày năm 1977. Đến tháng 2/2002, Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 26 – OPC được chuyển thành CTCP Dược phẩm OPC. Các lĩnh vực kinh doanh chính của OPC bao gồm trồng và chế biến dược liệu; sản xuất, kinh doanh dược phẩm, vật tư, máy móc thiết bị…


OPC ghi dấu ấn trong một số lĩnh vực hoạt động trong ngành như ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nghiên cứu, công nghệ thông tin trong quản lý, áp dụng tiêu chuẩn GMP- WHO trong sản xuất đông dược. Hiện OPC là một trong những đơn vị sản xuất đông dược lớn nhất tại Việt Nam.


Tại OPC, kết quả kinh doanh tăng trưởng đến 2 chữ số khi doanh thu thuần năm 2021 và năm 2022 của công ty là 1.124 tỷ đồng và 1.172 tỷ đồng, tăng 16% và 4% so với năm trước đó. Vào năm 2020, doanh thu công ty kém sắc với con số 965 tỷ đồng, giảm 2,4% so với năm 2019. Việc suy giảm của OPC đến từ áp lực các khoản mục chi phí, điển hình như chi phí QLDN tăng đã khiến kết quả doanh thu của công ty bị bào mòn.


Năm 2022, OPC cũng ghi nhận cột mốc lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay với lãi ròng 142 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Như vậy, tính đến hết năm 2022, OPC đã hoàn thành và vượt 2% kế hoạch doanh thu và vượt 3% kế hoạch lợi nhuận. Trong giai đoạn 2019 -2022, lợi nhuận của OPC tăng trưởng đều đặn qua từng năm nhờ mức tăng của doanh thu và tiết giảm chi phí. Cụ thể, công ty báo lãi 103 tỷ đồng và 123 tỷ đồng vào năm 2020 và 2021, đều tăng gần 2% so với cùng kỳ. OPC đã đầu tư và làm chủ nhiều vùng trồng dược liệu giúp công ty chuẩn hóa sản phẩm và bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, tạo sinh kế cho nhiều người nông dân.


Công ty CP Dược phẩm Hà Tây


Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây (DHT) có tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Hà Tây, được thành lập năm 1965. Năm 2001, công ty chuyển sang hình thức CTCP chuyên sản xuất kinh doanh dược phẩm, dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng và trang thiết bị y tế. Công ty có hệ thống phân phối ở hầu hết các tỉnh miền Bắc. Cuối năm 2020, Dược Hà Tây có cổ đông chiến lược lớn là ASKA Pharmaceutical Ltd – Nhật Bản sở hữu 24,9% cổ phần, tương đương hơn 5,28 triệu cổ phiếu.


Luỹ kế cả năm 2022, doanh nghiệp thu về 1.837 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14% so với cả năm 2021. Lợi nhuận ròng đạt 99 tỷ đồng, tăng 39%. Với kết quả vừa đạt được, doanh nghiệp đã vượt 22,4% kế hoạch doanh thu và gần 60% mục tiêu lợi nhuận.


Giống với Imexpharm, trước đó Dược phẩm Hà Tây cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid, biểu hiện qua sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của công ty trong giai đoạn 2019 – 2021. Doanh thu thuần của công ty năm 2020 và 2021 lần lượt là 2.006 tỷ đồng và 1.609 tỷ đồng, “lao dốc” với tốc độ 2% và 21% so với năm 2019. Công ty cũng vướng một số “lùm xùm” về giải trình với cổ đông không rõ ràng, bị điều tra sử dụng đất được giao nằm ở ngã tư thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức, Hà Nội) không đúng mục đích. Tháng 2/2022, Dược phẩm Hà Tây bị yêu cầu thu hồi lô thuốc Levosum mà công ty này nhập khẩu do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ đồng đều hàm lượng, định lượng.


Hiện nay, tổng diện tích nhà máy sản xuất thuốc của công ty là 17.000 m2, tổng diện tích nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng xấp xỉ 2.000 m2, bao gồm 5 phân xưởng sản xuất đa dạng các dạng bào chế, các dây chuyền sản xuất thuốc độc lập, khép kín. Hệ thống máy móc, thiết bị nhà xưởng thường xuyên được nâng cấp, tổng giá trị đầu tư cho nhà xưởng lên tới 200 tỷ đồng.


Tổng quan và xu hướng ngành sản xuất dược phẩm tại Việt Nam


Theo hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô của ngành dược Việt Nam có thể đạt 16,1 tỉ USD vào năm 2026. Ngành có mức tăng trưởng 2%, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6% trong giai đoạn 2018-2020. Nhìn chung, xu hướng của ngành sản xuất dược phẩm Việt là tích cực với sự tăng trưởng mạnh mẽ dự kiến sẽ tiếp tục trong những năm tới.


Về ngắn hạn, ngành dược Việt Nam sẽ khó có sự đột phá vì nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc đến 90% vào nhập khẩu, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 80% nguồn cung. Những diễn biến khó lường của COVID-19 sẽ vẫn tác động lớn tới việc nhập khẩu khiến nguồn cung tiếp tục là vấn đề lớn cho các doanh nghiệp.


Về dài hạn, ngành dược có nhiều tiềm năng tăng trưởng cho cả công ty tham gia sản xuất, cũng như những tập đoàn bán lẻ do quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn đồng thời dân số cũng đang già đi với tốc độ nhanh.


Tuy nhiên, ngành vẫn phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm khả năng tiếp cận công nghệ và chuyên môn còn hạn chế cũng như cơ sở hạ tầng tương đối yếu kém, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.


Một trong những thách thức lớn nhất là khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế, khiến các công ty dược phẩm khó đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hạn chế số lượng thuốc và phát triển của các phương pháp điều trị mới.


Một thách thức khác là sự cạnh tranh từ thuốc generic giá rẻ. Nhiều người trong nước không đủ khả năng mua các loại thuốc chính hiệu đắt tiền nên họ thường lựa chọn các loại thuốc thay thế rẻ hơn. Điều này có thể gây khó khăn cho các công ty dược phẩm trong việc duy trì tỷ suất lợi nhuận cao và hạn chế khả năng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.


Bên cạnh những thách thức này, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng là một vấn đề đáng quan tâm.


Nhìn chung, làn sóng M&A trong ngành sản xuất dược phẩm tại Việt Nam dự kiến sẽ còn tiếp tục phát triển, vì cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều tìm cách tận dụng các cơ hội đang phát triển trên thị trường. Hầu hết các tên tuổi sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam đã và đang nằm trong “tầm ngắm” của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều quan trọng cần lưu ý là các giao dịch này cũng có thể mang lại những thách thức, chẳng hạn như sự khác biệt về văn hóa, các vấn đề về hội nhập và các rào cản pháp lý.


Nguồn: Báo cáo ngành Dược 2022 của Vietdata


bottom of page