top of page

Diễn đàn Logistics với khu vực châu Âu - châu Mỹ 2022

Để giảm thiểu khó khăn, tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tận dụng mạng lưới kết nối của các đơn vị logistics lớn để mở ra kênh vận tải mới.


Đây là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn Logistics với khu vực châu Âu - châu Mỹ 2022, do Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng 20/12 tại TP. Hồ Chí Minh. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP, Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex.


Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh,“nổi bật trong bức tranh hội nhập kinh tế của Việt Nam là sự phát triển trong quan hệ hợp tác thương mại với khu vực châu Âu - châu Mỹ". Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam khi trao đổi thương mại với thế giới nói chung, với khu vực châu Âu – châu Mỹ nói riêng hiện vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.


Trong đó phải kể đến các vấn đề như: Cơ sở hạ tầng hạn chế, thiếu đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics như kho bãi, trung tâm logistics; quy trình thủ tục hải quan còn chồng chéo; doanh nghiệp logistics còn thiếu thông tin; thiếu liên kết, ứng dụng công nghệ lạc hậu... Đây là những hạn chế rất lớn khiến chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức rất cao, là gánh nặng cho doanh nghiệp.


Ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn trao đổi tại Diễn đàn


Mặt khác, về chi phí vận chuyển nội địa, ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, hiện tổng chiều dài các bến cảng container khu vực Cái Mép khoảng 5.470m, được chia thành 8 cảng. Các bến cảng được phân bổ rải rác và hầu hết đều hạn chế về chiều dài cầu tàu (trung bình 600m bến/cảng), trong khi kích cỡ tàu cập Cái Mép ngày càng tăng, chiều dài tàu lên tới 400m, do vậy tại mỗi thời điểm, mỗi cảng chỉ có thể tiếp nhận được 1 tàu mẹ.


Do đó, để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy ngay tại cảng biển, cần có cơ chế để liên kết khai thác và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực Cái Mép - Thị Vải (cơ chế “cảng mở”), nhằm tối ưu hóa công suất khai thác và tận dụng tối đa cầu bến của nhau, giải quyết được các hạn chế về cầu bến như hiện nay, giảm chi phí logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua khu vực này.


Theo Bà Võ Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh, hiện nay chi phí logistics trung bình của Việt Nam ở mức 16,8% – 17% giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế có những doanh nghiệp phải chi trả tới 20% – 25% cho chi phí này. Năm 2022, xuất khẩu gỗ đạt khoảng 15 tỷ USD, tăng 7%-8% so với năm 2021. Thị trường tăng trưởng giai đoạn đầu năm, cuối năm sụt giảm sâu dù cước vận chuyển biển giảm mạnh.


Trong các thị trường xuất khẩu, Mỹ chiếm 60% - 65% kim ngạch, EU chiếm 5%, còn lại là thị trường Đông Bắc Á. Phần lớn đồ gỗ, nội thất chủ yếu tập trung ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai , Bình Dương.


Để giảm thiểu các khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp xuất khẩu và logistics Việt Nam, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nắm vững các quy định, thủ tục hải quan để chủ động trong việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, các giải pháp tối ưu hóa chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, cũng như tận dụng mạng lưới kết nối đồng bộ của các công ty vận tải lớn nước ngoài để mở ra các kênh vận tải mới, hiệu quả cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam sang khu vực châu Âu – châu Mỹ./


(Tạp chí Kinh tế và Dự báo)



bottom of page