top of page

Các doang nghiệp từng bị nghi vấn có hành vi chuyển giá hiện đang kinh doanh ra sao?

Việc chuyển giá không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới, vì chuyển giá là hành vi cấu kết giữa các công ty độc lập ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư và tiếp nhận đầu tư. Từ đó đưa ra mức giá hàng hóa, dịch vụ cao hơn nhiều so với giá trị thực và cao hơn giá bình thường, nhằm tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi dụng kẽ hở của luật thuế thu nhập doanh nghiệp để giảm thuế, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước, gia tăng lợi nhuận, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thu hồi vốn đầu tư nhanh…


Việc chuyển giá thường xảy ra với các doanh nghiệp FDI với nhiều chiêu trò khác nhau. Tuy nhiên để đưa ra những quyết định có tính pháp lý với một doanh nghiệp chuyển giá thì không đơn giản, do các dữ liệu báo cáo đều do doanh nghiệp tự kê khai, thiếu thông tin từ thị trường để làm cơ sở đánh giá.


Tại Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp có nghi vấn thực hiện chuyển giá nhằm trốn thuế như Cocacola, PepsiCo, Heineken, Mega Market (Metro), Adidas, Big C, Aon Vina, Meiko… Trong bài báo này, Vietdata sẽ điểm qua một số điểm nổi bật trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp kể trên


Adidas


Adidas chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, được sở hữu 100% vốn bởi Adidas International B.V – Amsterdam, Hà Lan. Adidas Việt Nam từng thừa nhận đã thực hiện các giao dịch liên kết vào năm 2012 khi bị Cục thuế TP.HCM tiến hành thanh tra. Kể từ đó, kết quả kinh doanh của Adidas ghi nhận sự giảm đi đáng kể trong chi phí bán hàng, lợi nhuận cũng tăng lên khá cao từ đó.



Doanh thu của Adidas tăng trưởng tốt qua mỗi năm, nhưng chững lại và giảm khá cao trong giai đoạn dịch Covid-19. Adidas có biên lợi nhuận gộp cao nhưng không ổn định. Doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận gộp cao nhất vào năm 2018 với hơn 830 tỷ dù doanh thu chỉ khoảng 1.4 nghìn tỷ, thấp hơn doanh thu năm 2020, 1.7 nghìn tỷ.



Aon Vina



Công ty Aon Vina là một công ty bất động sản 100% vốn của Hàn Quốc. Có mặt tại Việt Nam từ tháng 7/2007 dưới tên Keangnam Vina. Công ty từng ký hợp đồng giao cho công ty con của tập đoàn là Keangnam Enterprise làm tổng thầu với tổng giá trị hợp đồng lên đến 871 triệu USD. Các chi phí phải thanh toán lên đến hàng trăm triệu USD nên 5 năm sau đó, Keangnam Vina liên tục báo lỗ và không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Sau khi bị thanh tra, doanh nghiệp thừa nhận hành vi chuyển giá và điều chỉnh lại lợi nhuận, nộp lại thuế.


Hoạt động kinh doanh bất động sản chững lại do dịch Covid-19 ảnh hưởng khá nhiều đến doanh nghiệp. Doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm mạnh trong 2020-2021 (Doanh thu từ gần 1.5 nghìn tỷ VND năm 2019 còn khoảng 1.2 nghìn tỷ VND năm 2021). Tuy nhiên, nhờ duy trì tốt lợi nhuận nên biên lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn tăng.


Big C và Mega Market (Metro)


Big C và Mega Market là hai doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực bán hàng và đều là các doanh nghiệp đa quốc gia. Cả hai doanh nghiệp đều liên tục báo lỗ trong một khoảng thời gian dài và chỉ mới có lợi nhuận trong thời gian gần đây. Mega Market từng bị thanh tra tổng cục thuế phát hiện hành vi chuyển giá vào năm 2015. Còn hệ thống Big C khá phức tạp do thuộc nhiều công ty khác nhau hoạt động độc lập. Việc Big C liên tục báo lỗ, Tập đoàn sở hữu Big C có công ty con tại Hong Kong, một “thiên đường thuế” khiến cơ quan thuế quyết định thanh tra chuyển giá Big C.



Mặc dù có doanh thu rất cao và tăng đều qua từng năm, Big C vẫn duy trì mức lợi nhuận rất thấp. Doanh thu của Big C sụt giảm trong giai đoạn dịch Covid-19, từ hơn 17 nghìn tỷ VND năm 2020 giảm còn khoảng 16.5 nghìn tỷ vào năm 2021. Big C lỗ gần 130 tỷ VND từ mức lợi nhuận 120 tỷ VND vào năm 2021. Tuy doanh thu chỉ giảm nhẹ khoảng 4%, Big C giảm lợi nhuận đến khoảng 207%.





Mega Market từ sau khi bị thanh tra và truy thu thuế vào năm 2015 thì đã có sự điều chỉnh trong lợi nhuận và có lợi nhuận tăng lên, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp vẫn rất thấp. Mega Market đạt biên lợi nhuận cao nhất vào năm 2017, với mức doanh thu chỉ khoảng 3.1 nghìn tỷ VND, lợi nhuận gộp khoảng 412 tỷ VND. Doanh thu của doanh nghiệp tăng đột biến trong 2018, tăng đến khoảng 312% nhưng mức lợi nhuận chỉ tăng khoảng 216%.



Coca-Cola and Suntory PepsiCo


Coca-Cola và Suntory Pepsico hiện đang là hai doanh nghiệp FDI thống lĩnh thị trường nước giải khát không có cồn tại Việt Nam. Theo Cục thuế TP.HCM, từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam, hai công ty này liên tục báo lỗ cho đến cuối năm 2012 dù sản lượng vẫn tăng trưởng trên 25% mỗi năm, hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển nhà máy vẫn được tiến hành.




Đến thời điểm tháng 12/2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca-Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỉ đồng. Như vậy, về mặt kỹ thuật, lẽ ra Coca-Cola Việt Nam đã phải phá sản. Tuy nhiên, thay vì đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động, năm 2014 Coca-Cola tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.


Sau nhiều nỗ lực đấu tranh của phía Việt Nam, đến năm 2013 Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Chính phủ Việt Nam. Hiện tại, báo cáo tình hình kinh doanh của Coca-Cola cho thấy sự tăng trưởng và lợi nhuận đã khả quan hơn.




Trường hợp Pepsi cũng tương tự như Coca-Cola Việt Nam. Vào Việt Nam sớm hơn Coca-Cola (năm 1991) nhưng trong suốt gần 20 năm hoạt động, Pepsi Việt Nam cũng liên tục kê khai lỗ và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, Pepsi Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhiều nhà máy mới ở các tỉnh, thành khác trong cả nước để mở rộng thị phần. Tuy đã đạt lợi nhuận khá cao, biên lợi nhuận gộp của Pepsi không quá cao và ổn định, chỉ vượt qua trung bình ngành từ sau năm 2019.


Heineken



Heineken đã từng bị Tổng cục thuế truy thu và phạt hơn 917 tỷ VND vào năm 2019 do không nộp thuế của giao dịch chuyển nhượng cổ phần nhà máy bia Heineken Việt Nam – Hà Nội từ công ty mẹ ở Sing sang công ty tại Việt Nam. Doanh nghiệp tại Việt Nam đã kê khai thuế, nhưng doanh nghiệp tại Singapore vẫn gửi văn bản xin miễn, giảm tiền thuế theo mức thuế tại Singapore.


Heineken vẫn có kết quả kinh doanh tốt và khả quan. Biên lợi nhuận ổn định, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tăng đều đến năm 2019, sau đó giảm nhẹ do ảnh hưởng của Luật phòng chống tác hại rượu bia và dịch Covid-19. Tuy nhiên có doanh thu tăng cao trong Quý I/2022.



Meiko



Công ty TNHH điện tử Meiko VN từng báo lỗ 3 năm (2009-2011) đến hơn 300 tỷ đồng. Trong khi số liệu cho thấy, Nhà máy điện tử Meiko tại Hà Nội là một trong 10 dự án FDI lớn nhất tại thời điểm cấp phép năm 2006. Từ sau khi được thanh tra vào năm 2012, Meiko đã có sự điều chỉnh rõ rệt trong chi phí và lợi nhuận.


Nhìn chung, doanh thu của Meiko tăng nhưng lợi nhuận không ổn định qua các năm, biên lợi nhuận của Meiko tăng đến 0.19 trong năm 2018 nhưng đạt mức thấp nhất khoảng 0.13 trong năm 2020.


Việc điều tra chuyển giá tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khác nhau. Chính phủ cũng không thể siết chặt quá mức quy định về thuế nhằm thu hút FDI về Việt Nam. Tuy nhiên việc thanh tra giám sát hoạt động chuyển giá đã đem lại nhiều lợi ích cho nước ta. Các doanh nghiệp sau quá trình thanh tra đã chỉnh sửa lại chi phí cho hợp lý và gia tăng lợi nhuận, bắt đầu kê khai và nộp thuế.


Nguồn: Vietdata

bottom of page