Chuyên gia đưa ra nhiều góc nhìn về tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đến thị trường hàng hóa, kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam.
Tại Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp trường Đại học Bristol đã đưa ra những đánh giá về mức ảnh hưởng của sự kiện Trung Quốc mở cửa nền kinh tế tới kinh tế cũng như chứng khoán Việt Nam.
Theo ông, có rất nhiều động thái của Trung Quốc từ việc tăng tín dụng, đưa ra các chính sách hỗ trợ cho bất động sản, hỗ trợ chung cho sản xuất và đặc biệt là việc phát hành một đợt trái phiếu Chính phủ mới cho xây dựng và đầu tư hạ tầng cho thấy những tín hiệu rõ ràng trong việc hướng tới thúc đẩy kinh tế.
Với thị trường cổ phiếu, theo phân tích của JPMorgan, các thị trường Đông Nam Á sẽ di chuyển tương tự như "cú nhảy bungee" vào năm 2023 tức là lao dốc trước khi tăng mạnh vào nửa cuối năm.
Về tổng thể, sau giai đoạn khó khăn sẽ là giai đoạn tươi sáng, ông Hồ Quốc Tuấn cho rằng, từ năm 2024 kinh tế thế giới sẽ hồi phục tốt và như vậy, các doanh nghiệp trong nhóm hàng tiêu dùng ở Việt Nam có thể tận dụng năm 2023 để tái cấu trúc, M&A để chuẩn bị cho giai đoạn mới. Cổ phiếu của các hãng sản xuất vật liệu xây dựng cũng đang rẻ đi và đến một lúc nào đó sẽ bật trở lại.
"Nếu nhà đầu tư có tầm nhìn xa, vượt qua giai đoạn 2024 thì có thể mua các cổ phiếu đó và nắm giữ dài hạn", TS. Hồ Quốc Tuấn khuyến nghị.
Còn ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS) thì dự báo khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ bùng nổ nhu cầu về hàng hoá thiết yếu và khi đó nhóm cổ phiếu trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ hải sản sẽ tăng trưởng. Đồng thời, nhóm ngành du lịch, khách sạn, hàng không, vận tải sẽ tăng trưởng khi các đường bay với Trung Quốc mở cửa trở lại.
Tác động tích cực đối với kinh tế toàn cầu
Phân tích về tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại, TS. Hồ Quốc Tuấn chỉ ra rằng, điều này phản ánh ngay vào giá một số loại nguyên liệu như đồng chẳng hạn, nếu Trung Quốc tăng trưởng tích cực sẽ giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro với nền kinh tế thế giới. Nếu như giá của một số nguyên liệu quan trọng bị đẩy lên nhanh do quá trình phục hồi của Trung Quốc điển hình là dầu thô sẽ gây tác động phức tạp đối với việc kiểm soát lạm phát của các nước, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. TS. Hỗ Quốc Tuấn cũng đánh giá, lạm phát toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục xu hướng nhưng tốc độ chậm.
Ông Trần Minh Tuấn cũng cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa sẽ giúp làm giảm lạm phát toàn cầu. Theo ông Trần Minh Tuấn, kim ngạch thương mại của Trung Quốc đạt hơn 600 tỷ USD và hàng năm có sự tăng trưởng rất lớn.
Tác động tới kinh tế Việt Nam
TS. Hồ Quốc Tuấn kỳ vọng vào giá nguyên vật liệu của Việt Nam sẽ tăng khi Trung Quốc mở cửa trở lại, song sẽ không tăng ngay lập tức mà phải mất một khoảng thời gian do lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp nước này đang ở mức cao.
"Việt Nam chúng ta nhiều tháng vừa qua bị ảnh hưởng không phải là vì về vấn đề Trung Quốc mở cửa kinh tế hay vấn đề chung của thế giới mà chúng ta ảnh hưởng bởi phía chính sách đối với thị trường bất động sản, đối với thanh khoản của thị trường. Hiện nay, những yếu tố đó, các tháng cuối năm đang giãn ra và sẽ tạo ra động lực trong ngắn hạn cho thị trường. Nhưng nếu nhìn ba tháng hoặc sáu tháng sắp tới thì sự bất định về chính sách vẫn ở đó, vẫn đang trong quá trình tháo gỡ", ông Hồ Quốc Tuấn nói.
Những nhóm ngành được hưởng lợi
Nhóm các cổ phiếu liên quan đến bất động sản khu công nghiệp hoặc có thể liên quan đến những doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI đang niêm yết.
Những nhóm ngành về hàng tiêu dùng ở Việt Nam, nếu làm tốt sẽ tận dụng được giai đoạn này để thâu tóm hoặc tiến hành tái cấu trúc, và sẽ được hưởng lợi rất lớn từ 2024 trở đi.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo
BÁO CÁO VĨ MÔ_ĐIỂM TIN NGÀNH - SỐ THÁNG 12/2022
Comments