top of page

Cuộc chiến giành miếng bánh 33 tỷ USD: Ông lớn ngoại áp đảo chăn nuôi Việt Nam

Ngành chăn nuôi đạt doanh thu 33 tỷ USD năm 2023. Song, ông lớn nước ngoài đang chiếm thị phần áp đảo, còn chăn nuôi nông hộ giảm dần, chuyển sang nuôi liên kết hoặc nuôi thuê.


Tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững”, sáng 14/8, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) - cho biết, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta.


Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.


Ở Việt Nam, chăn nuôi lợn được xác định là ngành chủ lực, quan trọng. Sản phẩm của ngành này không chỉ đáp ứng nhu cầu cho 100 triệu dân mà còn là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân nước ta.



Đáng chú ý, từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trước đây, năm 2023, Việt Nam được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 trên thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt.


Những năm vừa qua, ngành chăn nuôi lợn biến động mạnh cả về tổng đàn và giá cả, bởi ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng phi mã.


Theo Tổng cục Thống kê, tổng số lợn thịt xuất chuồng năm 2019 đạt gần 48,2 triệu con, đến năm 2023 đã tăng lên mức 52,9 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,8 triệu tấn.


Ước tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm nay đạt gần 25,55 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thịt lợn hơi đạt 2.535,8 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.


Tuy nhiên, báo cáo của Cục Chăn nuôi cũng chỉ rõ, cơ cấu ngành chăn nuôi đang có sự chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Nguyên nhân, do quy mô nông hộ nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.


Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019 và 2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%.


Cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022-2023 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm khoảng 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43% (theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank). Tức, các “ông lớn ngoại” trong ngành hàng này đang chiếm thị phần áp đảo.


Không chỉ vậy, ở mảng sản xuất thức ăn hỗn hợp công nghiệp, doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 60%, trong nước chỉ 40% về sản lượng sản xuất.



Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và nước ngoài (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Emivest, Cargill...) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi.


“Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành này”, ông Đăng nhấn định.


Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, ngành chăn nuôi phải đối diện với diễn biến dịch bệnh phức tạp và “bão giá” nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, giá thịt lợn hơi xuất chuồng bấp bênh, một thời gian dài giá bán "nằm đáy" khiến hộ chăn nuôi bị thua lỗ nặng đành treo chuồng, chuyển đổi sang nuôi gia cầm hoặc nuôi lợn thuê cho các doanh nghiệp lớn.


Lãnh đạo Cục Chăn nuôi khẳng định, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, hợp tác xã hoặc liên kết với doanh nghiệp.


Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với du lịch.


Đặc biệt, ngành chăn nuôi trên thế giới đang có nhiều biến động, dự báo vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đối với chăn nuôi lợn đang có những xu thế mới và những xu thế này sẽ tác động đến ngành chăn nuôi của Việt Nam nếu muốn phát triển bền vững, ông Đăng lưu ý.


Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, trong rổ thực phẩm, thịt lợn đang chiếm 65% chỉ số CPI. Giá thịt lợn đang ở mức khá cao đã đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp sau một thời gian bị thua lỗ.


Do đó, ngành chăn nuôi đặt ra yêu cầu vừa đảm bảo tăng trưởng, nguồn cung thực phẩm, đảm bảo người chăn nuôi có lãi song chúng ta cũng cần sớm có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để chỉ số CPI tăng ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, ông Tiến nhấn mạnh.


(vietnamnet.vn)


Comments


bottom of page