Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc kỷ lục 700 tỷ USD. Xoay quanh kết quả này là nhiều thông tin ấn tượng.
Rút ngắn chu kỳ
Dữ liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận, những năm qua, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Qua đó, các dấu mốc trăm tỷ USD được rút ngắn đáng kể.
Năm 2007, lần đầu tiên xuất nhập khẩu cán mốc 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Năm 2011, con số này tăng gấp đôi. 4 năm sau đó, xuất nhập khẩu của Việt Nam cán mốc 300 tỷ USD. Cột mốc 400 tỷ USD được ghi nhận vào giữa tháng 12/2017; 500 tỷ USD được thiết lập vào giữa tháng 12/2019 và 600 tỷ USD được lập vào ngày 30/11/2021. Mốc mới 700 tỷ USD đã được ghi nhận vào ngày 15/12/2022.
Trong 20 năm (giai đoạn 2002-2021), kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt con số 5.146 tỷ USD. Đáng chú ý, riêng 10 năm gần đây (2012-2021), đạt 4.110 tỷ USD, gấp gần 4 lần 10 năm về trước cộng lại.
Dấu mốc mới thể hiện bước tiến quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thể hiện độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn khi kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP (GDP của Việt Nam năm 2022 được ước tính đạt từ 390 đến 400 tỷ USD).
Trong đó, các doanh nghiệp FDI vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể, hết tháng 11/2022, doanh nghiệp FDI đạt 468,7 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 252,64 tỷ USD, tăng 14,5%, chiếm 73,8% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Chiều ngược lại, nhập khẩu của đạt 216,06 tỷ USD, tăng 9,5%, chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại rộng khắp với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, tập trung vào các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN.
Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu số 1. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,46 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,93 tỷ USD).
Về tổng quan, đây cũng là hai đối tác có kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD trở lên. Trong đó, Trung Quốc xếp vị trí số 1 (hết tháng 11 đạt 162 tỷ USD); trong khi đó, Hoa Kỳ đạt 114,68 tỷ USD.
Một ấn tượng khác đến từ sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Ngoài những nhóm hàng chủ lực với kim ngạch hàng chục tỷ USD tiếp tục duy trì doanh số ấn tượng như điện thoại; máy vi tính; máy móc, thiết bị; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ…, năm 2022 ghi nhận lần đầu tiên ngành hàng xuất khẩu truyền thống là thủy sản cán mốc 10 tỷ USD.
(Customs News)
Xem thêm: Báo cáo ngành Thủy sản
コメント